1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Jetstar Pacific mỗi ngày lỗ hơn 1 tỷ đồng

(Dân trí) - SCIC vừa báo cáo Chính phủ số lỗ lũy kế của Công ty CP hàng không Jetstar Pacific tính đến hết tháng 8/2008 lên đến 50 triệu USD (800 tỷ đồng). Nhiều ý kiến lo ngại về khả năng cổ đông nước ngoài đang muốn “lỗ” để thôn tính hãng hàng không nội địa này.

Càng bay càng lỗ

Theo tờ trình số 617/TCT - ĐT2 báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 3/10/2008 của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thì Jetstar Pacific (JP) đang gặp khó khăn lớn về tài chính.

Hãng đang lỗ trung bình mỗi tháng 2 triệu USD (tương đương 34 tỷ đồng), như vậy, mỗi ngày JP lỗ hơn 1 tỷ đồng ngay cả khi đã bỏ ra gần 3 triệu USD/năm để mua quyền sử dụng thương hiệu hàng không mạnh là Jetstar.

SCIC nêu ra một số nguyên nhân dẫn tới tình hình thua lỗ như do giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá VND/USD tăng liên tục gây bất lợi cho JP vì thu 100% bằng VND nhưng 80% các khoản chi phí thanh toán bằng USD.

Các loại giá, phí tại cảng hàng không, phí tra nạp xăng dầu đều tăng liên tục. Bên cạnh đó, biến động, các loại giá, phí tại cảng hàng không tăng, môi trường kinh doanh không thuận lợi, chi phí chuyển đổi thương hiệu tốn kém...

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng được nêu ra là do cơ chế chính sách và môi trường kinh doanh không thuận lợi như cơ chế quản lý trần giá vé và biểu hiện độc quyền trong việc áp đặt giá dịch vụ hàng không và cung cấp nhiên liệu.

Theo SCIC, nếu không có giải pháp kịp thời thì đến cuối năm nay, JP sẽ không còn vốn để hoạt động và sẽ lại quay về thế đứng “bên bờ vực phá sản” như thời điểm vừa mới tách khỏi Vietnam Airlines.

Theo kế hoạch, Qantas (nhà đầu tư chiến lược) sẽ rót tiếp 15 triệu USD cho JP (bằng 9% vốn điều lệ) vào tháng 4/2009 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 27%. Và đến năm 2010, Qantas sẽ giải ngân tiếp 5 triệu USD dưới hình thức mua lại 3% cổ phần từ SCIC.

Nhưng SCIC cho biết: Qantas chỉ rót vốn khi cả môi trường kinh doanh của JP được cải thiện đáng kể để có khả năng thu lợi nhuận trong thời gian hợp lý.

Lo ngại nhãn tiền

Thực tế không thể phủ nhận, tình hình làm ăn thua lỗ khiến JP đang ngày càng khó khăn về tài chính. Theo tính toán, JP cần được bổ sung một khoản vốn khoảng 30 - 35 triệu USD trong năm 2009 để có thể đứng vững. Các cổ đông lớn phải đóng thêm tiền theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ để đảm bảo hoạt động của công ty.

Trong tờ trình báo cáo Chính phủ ngày 3/10/2008, SCIC đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Qantas “phá rào”, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên 49% như một giải pháp tháo gỡ dù Nghị định số 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: “Bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ đối với hãng hàng không…”.

Cùng với đó, SCIC cũng xin chủ trương dần rút vốn tỷ lệ nắm giữ xuống từ 25 - 35% vốn điều lệ tại JP.

Động thái này của SCIC khiến lo ngại về việc cổ đông nước ngoài muốn thôn tính hãng hàng không nội địa một lần nữa lại được đặt ra. Những ý kiến lo ngại cho rằng, thông qua chính sách kinh doanh liên tục thua lỗ, Qantas có điều kiện tăng vốn trong JP theo hướng trở thành cổ đông lớn nhất.

Hiện nay, tuy mới chỉ góp 18% vốn nhưng tập đoàn Qantas đã nắm giữ tới 7/11 vị trí trong bộ máy điều hành của JP. Khi đã kiểm soát được chiến lược kinh doanh của JP, Qantas sẽ tiến tới chủ động khai thác thị trường Việt Nam - một việc mà không có hãng hàng không nước ngoài nào làm được bởi lẽ thị trường hàng không nội địa luôn được coi tài sản của mỗi quốc gia.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm