DBiz

Hơn 10,7 triệu tỷ đồng chảy vào 30 ngân hàng, lãi suất sắp tới ra sao?

Thảo Thu
Hơn 10,7 triệu tỷ đồng chảy vào 30 ngân hàng, lãi suất sắp tới ra sao?

3 ngân hàng lớn hút hơn 4,8 triệu tỷ đồng tiền gửi

Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III năm nay. Trong 3 ngân hàng còn lại là BIDV, Vietcombank, VietinBank, xếp vị trí thứ nhất là BIDV với tổng tiền gửi đạt trên 1,87 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tăng hơn 169.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 10%.

Theo sau là VietinBank với số dư tiền gửi là 1,51 triệu tỷ đồng, tăng hơn 105.000 tỷ đồng, tức 7,5%.

Xếp vị trí thứ 3 là Vietcombank với 1,43 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 34.373, tức tăng 2,5% và là ngân hàng có chỉ tiêu tiền gửi tăng thấp nhất trong nhóm quốc doanh. Quý II, tiền gửi vào Vietcombank thậm chí giảm 1,5% so với cuối năm ngoái. Dù là "quán quân" lợi nhuận song Vietcombank lại là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng TMCP Nhà nước lớn nhất) ghi nhận việc có quý kinh doanh sụt giảm huy động tiền gửi khách hàng.

Tính chung 3 ngân hàng có vốn Nhà nước, số dư tiền gửi của khách hàng lên tới hơn 4,8 triệu tỷ đồng. Lượng tiền "khủng" vẫn chảy vào bất chấp bối cảnh các ngân hàng nhiều tháng duy trì lãi suất ở mức thấp, cách xa các ngân hàng tư nhân khác.

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của các ngân hàng này chỉ niêm yết ở mức 4,6-4,7%/năm, trong khi nhiều ngân hàng tư nhân khác đang niêm yết ở mức tiệm cận 6%/năm. Kỳ hạn dài 18 tháng các ngân hàng cũng chỉ niêm yết ở mức 4,6-4,7%/năm còn các ngân hàng tư nhân đã vượt mức 6%/năm. Có ngân hàng trả lãi tới 6,35%/năm.

Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III song số liệu đến hết quý II cho thấy tổng số dư tiền gửi tại ngân hàng này là 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái và là ngân hàng hút nhiều tiền gửi nhất toàn ngành sau 6 tháng.

5 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi 2 chữ số

Theo ghi nhận, 10 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất hệ thống đang nắm giữ hơn 8,36 triệu tỷ đồng.

Còn nếu chỉ tính riêng 6 ngân hàng tư nhân trong nhóm này (trừ 3 ngân hàng quốc doanh) thì lượng tiền khách hàng gửi tại 7 đơn vị là gần 3,55 triệu tỷ đồng, vẫn chưa bằng tiền gửi tại 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống.

Không phải là các đơn vị hút tiền gửi mạnh nhất nhưng LPBank, MB, Sacombank, MSB, NCB mới là 5 cái tên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng.

Cụ thể, NCB hút 90.355 tỷ đồng tiền gửi, tăng 17,6% so với đầu năm và là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất. LPBank hút hơn 271.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 14,3%, tương ứng 33.911 tỷ đồng; Sacombank hút hơn 566.000 tỷ đồng, tăng 11%; MB hút hơn 627.000 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Trong 5 cái tên có mức độ tăng mạnh nhất, chỉ có MB và Sacombank lọt top 10 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất. Và ngoài 3 ngân hàng quốc doanh, top những đơn vị hút tiền mạnh nhất là ACB với hơn 512.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 6,1% so với đầu năm; Techcombank với gần 495.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 8,9%; VPBank với hơn 475.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 7,6%; SHB với hơn 471.000 tỷ đồng, tăng 5,4%; HDBank với 397.000 tỷ đồng, tăng 7,1%. Danh sách top 10 không thay đổi so với quý II liền trước.

3 ngân hàng sụt giảm huy động tiền gửi

Chiều ngược lại, tính đến ngày 30/9, có 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là SaiGonBank, PVcomBank và ABBank. Trong đó, ABBank giảm 8,9% tiền gửi, xuống còn hơn 91.000 tỷ đồng; PVcomBank giảm 2% tiền gửi, còn hơn 174.000 tỷ đồng và SaiGonBank giảm 0,5% còn hơn 24.400 tỷ đồng.

Hơn 10,7 triệu tỷ đồng chảy vào 30 ngân hàng, lãi suất sắp tới ra sao? - 1

Trong số 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, BIDV tạm giữ vị trí quán quân về tiền gửi sau 9 tháng đầu năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

SaiGonBank cũng là ngân hàng có lượng tiền gửi thấp nhất hệ thống. Theo sau là PGBank với số dư tiền gửi khách hàng là hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 6,6%; BAOVIET Bank có tiền gửi là hơn 57.200 tỷ đồng, tăng 8,3%; KienlongBank có lượng tiền gửi là hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 5,5%. Những vị trí phía dưới trong bảng xếp hạng không có quá nhiều biến động so với quý II liền trước.

Tính chung, tăng trưởng tiền gửi trong 9 tháng của 29 ngân hàng do phóng viên Dân trí thống kê đạt 7,2%, với tổng lượng vốn huy động đạt hơn 10,7 triệu tỷ đồng. Chỉ tiêu tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tích lũy không ngừng bất chấp lãi suất nửa đầu năm giữ ở mức thấp.

Lãi suất thấp dường như không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên cao nhất là 6,2%/năm.

Một số ngân hàng niêm yết "lãi suất đặc biệt" dành cho khách VIP, vượt mốc 7%/năm. Tuy nhiên, để được nhận được mức lãi suất này, khách cần đáp ứng một số điều kiện đặc biệt.

Dù vậy, lãi suất huy động tại các ngân hàng sang quý IV đang có dấu hiệu chững lại, không còn những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp như trong các tháng trước. Gần nhất, trong tháng 10 vừa rồi, một số đơn vị thậm chí giảm lãi suất gồm Agribank, Techcombank, NCB, VPBank, CBBank và LPBank.

Lãi suất sắp tới có thể tăng nhẹ

Theo dự báo từ các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản (0,5%), đạt mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.

Hơn 10,7 triệu tỷ đồng chảy vào 30 ngân hàng, lãi suất sắp tới ra sao? - 2

NCB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao nhất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại cho thấy xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt khi kinh tế chịu tác động từ những trận thiên tai gần đây.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực cao hơn trong việc giữ ổn định lãi suất huy động.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn của các ngân hàng ngày càng tăng cao để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Khi nhu cầu vay của người dân lớn thì vốn vay của các ngân hàng gặp tình trạng căng thẳng. Do đó, các ngân hàng cũng phải tích cực huy động, thu hút tiền gửi.

Phía Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn nên thời gian qua các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài.

Theo chuyên gia, Chính phủ luôn muốn hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng nên đã yêu cầu Ngân hàng giảm tối đa chi phí để có thể giảm hoặc giữ ổn định lãi suất như hiện nay. "Lãi suất cho vay không tăng mà giảm ít, còn lãi suất huy động có thể tăng nhẹ hoặc giữ nguyên trong 2 tháng cuối năm", ông nhận định.

Đặc biệt, từ ngày 20/11 tới đây, Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức, như bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác, không đúng với quy định của pháp luật. Các tổ chức tín dụng cũng phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại địa điểm giao dịch và đăng tải trên website.

Đối với các thỏa thuận lãi suất bằng đồng Việt Nam trước ngày thông tư có hiệu lực thi hành (20/11), tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại thông tư này.

Những quy định mới này được chuyên gia đánh giá sẽ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tạo sự minh bạch góp phần ổn định lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng vì thế cũng sẽ cần điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh mạnh mẽ hơn, thậm chí tăng lãi suất để thu hút khách hàng.