"Hội chứng tập đoàn kinh tế"

Một khi cánh cổng WTO mở, cánh cổng thị trường Việt Nam cũng mở theo. Để đối đầu với các tập đoàn kinh tế nước ngoài, Việt Nam phải có một lực lượng tập đoàn kinh tế tương tự để “đón tiếp”. Quá trình hình thành tập đoàn của các ngành nghề đang được gấp rút tiến hành .

Thế nhưng, tập đoàn là gì? Có đơn giản là một bài toán cộng kiểu “nông dân A + nông dân B + nông dân... N = tập đoàn sản xuất” với tất cả những yếu kém, bất hợp lý, yếu tố dẫn đến thua lỗ... cá lẻ tập hợp thành những “quả núi” vấn đề?

Sau mười năm kể từ khi Thủ tướng có quyết định 91 về việc thí điểm thành lập các tổng công ty theo mô hình tập đoàn kinh doanh, 18 tổng công ty được thành lập trong thời gian này đã đạt những kết quả nhất định.

Các tổng công ty 91 chính là lực lượng doanh nghiệp có qui mô lớn nhất Việt Nam, nắm giữ phần lớn vốn nhà nước trong các doanh nghiệp và chiếm tới 70% tổng thu ngân sách của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước, đã trở thành công cụ điều tiết vĩ mô khá hiệu quả của Nhà nước, chiếm tỉ trọng lớn trong thị trường nội địa như than (97%), điện (94%)...

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các tổng công ty này cũng đã bắt đầu bộc lộ khá rõ những mặt hạn chế.

Ví dụ như đối với nhiều công ty, các thành viên được hình thành dựa trên các quyết định hành chính nên thực chất quá trình hình thành tổng công ty là quá trình “thu gom” các doanh nghiệp đã tồn tại trước đó có cùng ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm, đối tượng khách hàng và thị trường.

Đồng thời hội đồng quản trị cũng có vai trò rất mờ nhạt, thực chất chỉ là cấp trung gian giữa tổng giám đốc và cấp trên, chưa có quyền chủ động nên chưa đảm bảo thể hiện được vai trò của bộ máy hoạch định chiến lược cho toàn tổng công ty.

Bên cạnh đó, cũng vì mối liên kết tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên là từ các văn bản hành chính nên quan hệ giữa hai đối tượng này là quan hệ cấp trên - cấp dưới, chưa phải quan hệ giữa người đầu tư và doanh nghiệp được đầu tư, chưa dựa trên quan hệ phân phối lợi ích.

Phải chăng đang có một “hội chứng” tập đoàn?

Tập đoàn kinh tế ở các quốc gia trên thế giới đều được hình thành một cách hết sức tự nhiên từ các quá trình tái cấu trúc thông qua các vụ hợp nhất, sáp nhập, thôn tính, mua lại và giải thể công ty với mục đích là sau đó tất cả cùng làm tăng giá trị toàn tập đoàn theo kiểu 1+1=10.

Nếu tập đoàn kinh tế của Việt Nam cũng được hình thành như thế có lẽ chắc phải còn lâu lắm, do lẽ chúng ta còn thiếu quá nhiều nền tảng thể chế cần thiết của một nền kinh tế thị trường để các tập đoàn ra đời theo đúng qui luật.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách thì lại mong muốn Việt Nam có những tập đoàn mạnh đủ sức đương đầu với những thách thức trong quá trình hội nhập. Với ý nghĩa đó, có thể cảm thông phần nào cho chủ trương hình thành ào ạt một số tập đoàn kinh tế, bất chấp những qui luật tự nhiên vốn có.

Các tổng công ty trở thành tập đoàn, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng sẽ có tập đoàn tài chính ngân hàng, thậm chí mới đây một quĩ đầu tư 100% vốn nhà nước tại một thành phố lớn cũng dự định khoác cho mình chiếc áo tập đoàn. “Hội chứng tập đoàn kinh tế” là như thế.

“Đặc thù Việt Nam”

Tập đoàn kinh tế của ta ra đời trong một bối cảnh có đặc thù rất riêng biệt, đó là tập đoàn kinh tế “quốc doanh” và được hình thành bằng một mệnh lệnh hành chính từ Chính phủ.

Như quyết định của Chính phủ trong đề án thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chẳng hạn, trên cơ sở “sắp xếp, tổ chức lại” tổng công ty và các đơn vị thành viên (chứ không phải bằng các quá trình mua lại, hợp nhất hay thôn tính lẫn nhau trên cơ sở kinh tế) và hầu hết 100% vốn điều lệ ở những công ty trong tập đoàn là phần của Nhà nước, những công ty ít quan trọng hơn là trên 50% và ít quan trọng nhất thì dưới 50%.

Các tỉ lệ này cũng chẳng biết dựa trên một cơ sở khoa học và thực tiễn nào, chỉ biết nó ấn tượng nhất bởi những đại lượng toán học số lớn: luôn luôn phải trên 50%, thậm chí đến 100% về phía Nhà nước, theo một lối tư duy lạc hậu là thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước qua những con số định lượng.

Từ mẫu tập đoàn này sẽ nhân bản vô tính ra hàng loạt các tập đoàn khác trong tương lai, bất chấp thực tế là chính các tổng công ty nòng cốt và hầu hết các thành viên tương lai trong gia đình tập đoàn lại có chung một nền tảng xuất phát là làm ăn kém hiệu quả, thua sút so với các thành phần kinh tế khác.

Chưa hết trong thành phần của một vài tập đoàn lại có cả những công ty hoạt động công ích!?

Cho dù có muốn cố gắng thông cảm với cách làm “đặc thù” trên, cho dù có là đặc thù “kiểu Việt Nam” hay gì gì đi nữa thì về mặt bản chất, để tồn tại, chúng cũng không thể khác với các tập đoàn kinh tế trên thế giới.

Mô hình tập đoàn vẫn còn chưa hình dung được

Dưới tựa đề “Sân chơi bình đẳng”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2002 đã đặt vấn đề: với một số vốn quá lớn tập trung vào một vài tập đoàn quốc doanh, trong khi bản chất của một tập đoàn kinh tế trên thế giới lại là một cái gì đó khác rất xa với những gì mà các tập đoàn của Việt Nam hiện đang sở hữu, liệu có làm cho chủ trương hình thành các tập đoàn “quốc doanh” đã có đủ cơ sở lý luận lẫn thực tiễn hay chưa?

Theo WB, bản chất của một tập đoàn ngay từ cái nhìn đầu tiên phải được quyết định bởi những chuẩn mực kế toán quốc tế IAS, trong khi các tập đoàn kinh tế của ta lại tuân theo chuẩn mực kế toán nội địa, mà sự khác biệt cùng những hậu quả tính thành mất mát tiền tỉ của sự khác biệt này đã là hiển nhiên.

Kế đến là những vấn đề liên quan đến cơ chế quản trị tập đoàn, cơ chế giám sát, các thủ tục phá sản và các vấn đề liên quan đến cơ cấu sở hữu. Những vấn đề thuộc về bản chất như trên thì hiện nay vẫn hoàn toàn mơ hồ đối với các tập đoàn kinh tế Việt Nam.

Ngay cả việc đơn giản nhất là việc thuê giám đốc (mà chỉ mới là giám đốc trong nước thôi chứ chưa nói đến giám đốc nước ngoài) cho đến giờ vẫn chưa có hướng ra thì làm sao nói đến cơ chế quản trị hiện đại trong tập đoàn được. Có lẽ là như thế cho nên ngoại trừ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vừa mới vội vàng có quyết định thí điểm, còn các tổng công ty hiện vẫn còn lúng túng không có hướng ra trong xây dựng mô hình tập đoàn.

Tập đoàn kinh tế của ta là như thế nào? Đã có rất nhiều buổi hội thảo của các viện nghiên cứu và một tờ báo điện tử đã mở hẳn một chuyên mục về chủ đề này. Các chuyên gia nước ngoài đã tỏ ra bối rối và chẳng có ai tư vấn để chỉ ra được một mô hình nào khả dĩ, bởi tập đoàn của ta hình thành trên cơ sở các quyết định hành chính chủ quan chưa có tiền lệ trên thế giới nên chẳng ai dám bạo gan mất uy tín để tư vấn điều gì cụ thể.

Sau nhiều năm thảo luận, ý kiến hay nhất và có lẽ là “thú vị” nhất là từ phía các chuyên gia nước ngoài, tựu trung lại cũng chỉ là lời khuyên người trong cuộc hãy “tỉnh táo” trong việc tập đoàn hóa, trước mắt là mục tiêu thành lập sáu tập đoàn kinh tế.

Càng “thú vị” hơn khi cơ sở thực tiễn duy nhất cho lời khuyên này là những so sánh giữa Việt Nam với Trung Quốc: Trung Quốc “khổng lồ” như thế nhưng cũng chỉ mới có 3-4 tập đoàn mà thôi!

Thêm một dạng rủi ro mới cho nền kinh tế

Rủi ro thì nhiều nhưng rủi ro có thể dự báo trước được là liệu rồi đây các tập đoàn kinh tế quốc doanh có đương đầu nổi với các cơn bão tài chính hay không! Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã đánh tan nát các “chaebol” (tập đoàn khổng lồ). Trong khi đó với qui mô nhỏ hơn, các công ty của Đài Loan đã tồn tại được và vượt qua cơn bão tài chính một cách ngoạn mục.

Với một số vốn quá lớn mà toàn bộ nền kinh tế tập trung vào hàng loạt các tập đoàn mà hầu như chưa có ai hình dung được diện mạo của chúng như thế nào, kể cả người trong cuộc, thì một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực hoặc một cú sốc lớn như cú sốc tăng giá dầu hỏa, hoặc một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài nếu xảy ra chắc chắn sẽ có tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, và có khả năng làm cho hàng triệu người sẽ phải rơi vào cảnh đói nghèo như từ những vụ phá sản tập đoàn các quốc gia trên thế giới đã từng trải qua.

Đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay ở Việt Nam, đó còn là rủi ro tham nhũng diễn ra ở các tổng công ty lớn. Trong cuộc khảo sát do WB tiến hành từ tài liệu “Chống tham nhũng ở Đông Á” (2004) đã cho thấy: qui mô doanh nghiệp càng lớn, tình trạng tham nhũng càng khó kiểm soát và điều này đã làm gia tăng đáng kể đến chi phí kinh doanh và làm giảm đi sức cạnh tranh của các tập đoàn.

Như vụ ra mắt trình làng thiên hạ của ngành bưu chính viễn thông ngay sau ngày khai sinh ra đề án tập đoàn đầu tiên của Việt Nam: vụ nâng giá các thiết bị viễn thông ở một số bưu điện tỉnh, mà khi hỏi ra thì lãnh đạo của tập đoàn tương lai đều trả lời là “không biết”! Cơ chế giám sát là như thế nào khi mà có cả trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính tham gia quá trình kiểm định này mà lại còn bị “ăn” nhiều như thế?

Chỉ mới khởi động làm tập đoàn và cũng chỉ mới ở một qui mô chưa gọi là lớn lắm mà vẫn chưa hình thành được cơ chế giám sát thích hợp các giao dịch tham nhũng. Thử hỏi sau này bằng những hỗ trợ vốn từ phía Nhà nước để hình thành nên những tập đoàn quốc doanh khổng lồ với những vụ tham nhũng lớn hơn thì làm sao lần ra chứng cứ!

Tập đoàn để tạo thêm sức cạnh tranh chứ không để tạo ra “siêu độc quyền” mới

Với tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước chiếm tuyệt đối và bằng những phương thức can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ còn phải lệ thuộc dài dài vào các tập đoàn độc quyền, qua chất lượng và mức giá sản phẩm hoặc dịch vụ do các tập đoàn độc quyền này cung ứng.

Thực tế đã cho thấy mặc dù bị phản ứng mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng và Chính phủ cũng không đồng ý, nhưng Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn thường xuyên thuyết phục cho phép được triển khai cái gọi là lộ trình tăng giá điện với những lý lẽ rất thiếu sức thuyết phục là cần phải huy động khoảng 15% nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngành điện. Đã vậy khả năng quản lý và tiên liệu của EVN lại quá tồi khi để xảy ra tình trạng cúp điện triền miên trong những tháng vừa qua.

Thực tế cuộc sống cho thấy cùng với quá trình hình thành nên các tập đoàn kinh tế, có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế rằng: ngoại trừ ngành dầu khí, cách duy nhất để tạo ra đối trọng với các tập đoàn kinh tế quốc doanh và làm tăng thêm sức cạnh tranh cho nền kinh tế là phải tiến hành tự do hóa tất cả các sản phẩm và dịch vụ (viễn thông, điện lực, hàng không...) mà các tập đoàn kinh tế quốc doanh cung cấp.

Tóm lại, tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới hình thành tự nhiên giống như sự phát triển của một con người, phải trưởng thành qua từng giai đoạn. Ở Việt Nam thì lại khác, chúng được nhân bản vô tính ngay để trở thành hàng loạt người khổng lồ chân đất sét và được đem ra đương đầu với các thách thức.

Thành công hay không thì chưa biết chắc nhưng có điều rủi ro thì quá lớn. Xét theo quan điểm kinh tế, đây là quyết định không khôn ngoan. Vậy hãy nên cân nhắc kỹ lại lời khuyên: nếu quá bức xúc, chỉ nên hình thành một hoặc tối đa là hai tập đoàn kinh tế thí điểm mà thôi và hãy tỉnh táo lại trước khi quá muộn bởi “hội chứng tập đoàn”.

Theo Tuổi Trẻ