Hoang mang trước "ma trận" thiết bị khử khuẩn trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Lo sợ dịch Covid-19, nhiều người đổ xô mua các thiết bị khử khuẩn được giới thiệu là có thể diệt được virus. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại hoang mang trước ma trận giá và độ an toàn của các loại máy.

Lo sợ dịch Covid-19, anh Phạm Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa đặt mua 2 thiết bị khử khuẩn điện thoại với giá 600.000 đồng/chiếc. Anh cho biết, anh rất lo lắng khi sử dụng các thiết bị di động trong mùa dịch, bởi đây là nơi tích tụ nhiều virus. Qua lời giới thiệu của bạn bè, anh lên mạng đặt mua 2 thiết bị khử khuẩn di động, anh 1 chiếc và bà xã 1 chiếc.

“Giờ ai cứ giới thiệu thứ gì hữu ích tôi đều mua hết, dù cũng không biết là có chắc chắn diệt được virus hay không. Nhưng thôi, có còn hơn không, tôi cứ phòng bị vào cho chắc, không đến lúc lại áy náy” – anh nói.

Theo lời quảng cáo của người bán hàng, thiết bị khuẩn mà anh Hùng mua là sản phẩm độc quyền trong mùa dịch. Do là hàng hiếm nên sản phẩm thường không có sẵn, khách muốn đặt mua thì phải chờ 8 -10 ngày sau mới có hàng. Toàn bộ hình ảnh, chất lượng, công dụng của sản phẩm đều được miêu tả qua lời kể của người bán chứ không phải giấy tờ in trên sản phẩm.

“Cùng thiết bị ấy, tôi tìm ở gian hàng khác lại có giá rẻ hơn, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm thì vẫn y hệt. Tôi thấy lạ nên cũng gặng hỏi thì họ chỉ giải thích rằng do có người quen làm ở công ty nên có giá hữu nghị” – anh Hùng kể.

Hoang mang trước ma trận thiết bị khử khuẩn trong mùa dịch Covid-19 - 1

Các loại máy khử khuẩn được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với những lời quảng cáo thần thánh

“Máy khử khuẩn này phù hợp với mọi thiết bị như điện thoại, đồng hồ, kính mắt, bông tai, bàn chải. Chỉ cần cho vào hộp đóng lại chờ 1 - 2 phút là có thể đánh bại mọi virus nhờ tia UV soi chiếu” – là những lời miêu tả của chị Ngọc Huyền, người bán thứ máy được gọi là khử khuẩn mà rất nhiều người đang săn lùng.

Theo lời kể của chị, máy khử khuẩn là hàng nội địa Trung và là mặt hàng được bán rất chạy trong mùa dịch Covid-19. Máy hoạt động như thiết bị điện tử thông thường chỉ cần sạc là có thể chạy được trong vòng 6 – 8 tiếng. Nhờ máy có tia UV nên có thể diệt tới 99,99% vi khuẩn, mùi hôi mà không gây ảnh hưởng cho da.

Nhưng khi khách hàng đòi xem giấy chứng nhận và thiết bị trước thì chị chỉ ậm ừ và giải thích vòng vo về chất lượng kiểu: “Bao nhiêu người dùng đã có ai làm sao đâu, công dụng tia UV thì mọi người cứ lên mạng mà tra, tôi bán hàng chỉ biết vậy. Với căn bản mùa dịch thế này, có hàng mua là tốt lắm rồi”.

Cũng chính bởi sự không minh bạch từ người bán về sản phẩm, chị Ngọc Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã từ chối mua hàng. Chị cho rằng, khi bản thân bỏ tiền ra mua một sản phẩm thì phải có quyền biết rõ về nguồn gốc, chức năng của loại máy. Đây là cách bảo vệ tốt nhất dành cho chính bản thân và những người xung quanh vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.

“Tôi lên mạng tra cứu về loại máy mà người bán hàng giới thiệu thì không thấy có thông tin. Hơn thế nữa, cùng 1 loại máy mà tôi hỏi mỗi tiệm đều bán một giá khác nhau. Tôi thì không dám khẳng định máy có tốt hay không vì mình chưa sử dụng nhưng thứ tối thiểu nhất là sự minh bạch thông tin là không có nên tôi đã từ chối mua hàng” – chị Thu tâm sự.

Như anh Nguyễn Phương (Hà Nội) được vợ giao cho nhiệm vụ đi mua máy khử khuẩn dùng cho điện thoại. Anh đến chóng mặt trước rừng thông tin trên mạng. Cùng một loại máy mà mỗi nơi giá một kiểu, chỗ thì bán 650.000 đồng/chiếc, nơi thì 900.000 đồng/chiếc, cá biệt có địa điểm chỉ bán với mức 300.000 đồng/chiếc.

“Tôi thấy quảng cáo thì giống y hệt nhau, chức năng thì tương tự nhưng giá mỗi chỗ một kiểu. Tôi thì không tiếc tiền nhưng mua cái gì phải có thông tin rõ ràng. Hàng dùng liên quan đến sức khỏe thì phải nhìn tận mắt chứ người bán toàn gửi cho tôi mấy cái ảnh lấy trên mạng là tôi không bao giờ mua” – anh Phương bày tỏ.

 

An Chi