Hiệu quả từ “Ruộng lúa bờ hoa”

Đến ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức (Châu Phú, An Giang) vào thời điểm này, trên cánh đồng có diện tích 10 ha của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Nguyễn Anh Dũng, màu vàng của lúa và màu hoa đang cùng nhau khoe sắc.

Cánh đồng đẹp, cho năng suất cao và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã nói lên được hiệu quả của chương trình “Ruộng lúa bờ hoa” kết hợp với “1 phải, 5 giảm” nơi đây.
 
Hiệu quả từ “Ruộng lúa bờ hoa” - 1

 

Vụ thu đông năm nay, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Phú đã chọn phần diện tích canh tác khá lý tưởng của nông dân giỏi Nguyễn Anh Dũng để làm điểm thực hiện chương trình công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa”.

 

Chương trình thu hút 40 nông dân yêu thích các tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn các xã tham gia như: Khánh Hòa, Bình Long, Ô Long Vĩ và Mỹ Đức.

 

Trên những bờ đê rộng lớn, kéo dài hàng km được trồng nhiều loài hoa và cây có hoa như: Cúc, mè, sao nhái, quỳnh anh, mười giờ, đậu bắp và rau sam.

 

Theo anh Dũng, vụ này nhờ mưa nhiều nên khâu chăm sóc hoa cũng khá đơn giản, chỉ cần tưới nước vào thời điểm đầu vụ còn giai đoạn sau thì hoa tự sinh trưởng và phát triển rất tốt. Từ đó, cánh đồng của lớp học “Công nghệ sinh thái” thu hút khá đông các loài thiên địch tìm đến. Nhờ vậy nên vụ 3 năm nay đã giúp anh Dũng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

 

Anh Dũng nhẩm tính: “Nếu so với cùng kỳ năm trước thì trước mắt giảm được 2 lần phun thuốc trừ sâu rầy. Chi phí mỗi lần phun xịt khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/ha. Nếu tính trên tổng diện tích 10 ha có nghĩa đã giúp tiết kiệm được từ 8 - 10 triệu đồng. Tuy nhiên cũng phải lưu ý, vụ này điều kiện dịch hại tấn công trên cây lúa thường nhẹ hơn!”.

 

Qua kinh nghiệm của lần đầu tiên áp dụng chương trình này, anh Dũng bật mí thêm về những dự định trong vụ mùa tới đây: “Tui sẽ trồng những loại cây có hoa có thể bán được để tăng thêm thu nhập. Điển hình như: Cây đậu bắp, mè hay cúc…”.

 

Ngoài cái lợi về kinh tế, nông dân Nguyễn Anh Dũng cũng như nhiều học viên trong lớp tập huấn “Công nghệ sinh thái” xã Mỹ Đức còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Vốn là một giáo viên nghỉ hưu đã 6 năm nay, thay vì an hưởng tuổi già thì ông Nguyễn Trí Huệ vẫn tiếp tục theo đuổi nghề nông để truyền đạt lại kinh nghiệm cho các con trong gia đình.

 

Ông Huệ nhận định: “1 phải, 5 giảm là hàng rào giúp giảm sâu bệnh, nay có thêm “Công nghệ sinh thái” nữa sẽ càng giúp hàng rào ấy chắc chắc hơn. Rồi nông dân cũng sẽ ngày càng vững tin hơn trong sản xuất nông nghiệp nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật”.

Theo ông Huệ, lớp học còn có một đặc điểm là sát với thực tế trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, trong đó Việt Nam được dự báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề thì bên cạnh chuyện trúng mùa được giá, nông dân phải chuyển đổi nhận thức cùng tham gia chương trình này. Đó chính là chúng ta đang góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Phú, Hồ Đăng Long cho biết, nhận thấy lớp học “Công nghệ sinh thái” có nhiều lợi ích nên nông dân thích lắm. Qua đó, bà con cũng đề nghị ngành chức năng nên tiếp tục duy trì việc mở lớp trong thời gian tới để nhiều nông dân khác tăng thêm kiến thức mà không bị lạc hậu. Vì thực tế hiện nay, một số công ty bảo vệ thực vật quảng cáo thuốc nghe hay lắm, song khi mang về áp dụng vào đồng ruộng thì lại không hiệu quả.

 

Ngoài ra, nông dân còn đề xuất để nhân rộng mô hình hiệu quả, ngành Nông nghiệp cần xóa bớt các bờ thửa nhỏ; tạo các bờ thửa rộng lớn hơn không chỉ có lợi cho việc trồng cây có hoa, mà còn thuận tiện cho khâu cơ giới hóa. Một số ý kiến cho rằng, nếu tìm được chỗ tiêu thụ sản phẩm hoa, trái chắc chắn sẽ kích thích được nhiều nông dân trồng hoa trên bờ ruộng hơn.

 

Theo Hồng Trang

Báo An Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm