1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hết cơ hội chạy đua thành lập ngân hàng

Các tiêu chí vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, vốn tự có của cổ đông sáng lập phải đạt tối thiểu 500 tỉ đồng và bảo đảm hoạt động 3 năm liên tục có lãi… đang là rào cản đối với việc xin phép thành lập ngân hàng mới.

Ngân hàng Nhà nước (SBV) đang gấp rút trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 49 về điều kiện thành lập và quản trị ngân hàng, dựa trên những tiêu chí của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chuẩn mực OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

Nghị định này được xem là một cuộc cách mạng trong hoạt động ngân hàng, không chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng mà còn có thể chấm dứt ngay cuộc chạy đua thành lập ngân hàng diễn ra trong suốt hai năm qua, gây nên những bất ổn trong toàn hệ thống.

Khẳng định vị thế giám sát của HĐQT

TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược SBV, cho biết theo dự thảo, điều kiện thành lập ngân hàng mới tại VN đã được lượng hóa thành những tiêu chí cụ thể: vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, vốn tự có của cổ đông sáng lập phải đạt tối thiểu 500 tỉ đồng và bảo đảm hoạt động 3 năm liên tục có lãi.

Ông Nghĩa đánh giá đây là điều kiện vô cùng khắt khe vì theo quy định hiện hành, đến cuối năm nay, ngân hàng VN mới đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Riêng vốn của cổ đông sáng lập theo dự thảo mới này đã bằng mức vốn điều lệ hiện có của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ.

Trong điều kiện các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước lớn đã bị Chính phủ hạn chế cho tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng thì doanh nghiệp tư nhân gần như không có cơ hội, nếu có cũng không thể đăng ký số vốn lớn như vậy.

Dự thảo nghị định này cũng giải quyết căn bản khung giám sát hệ thống của ngân hàng thương mại và quyền lợi của cổ đông nhỏ. Cụ thể là khẳng định vị thế giám sát của HĐQT, khẳng định quyền tự chủ của ban điều hành bằng cách đưa ra hàng loạt ủy ban và có đầu danh mục 9 báo cáo mà HĐQT phải thông qua.

“Hoạt động của HĐQT chủ yếu là họp về tín dụng, đại hội cổ đông và chia lợi nhuận nên thấy ít việc quá. Quy định mới sẽ khiến HĐQT không còn thời gian can thiệp vào quyền của tổng giám đốc”- ông Nghĩa nhận định.

Làm khó cho “người nhà”

Hiện nay, VN có hơn 50 ngân hàng quy mô từ 500 tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng, trong đó có hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần. Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận quy mô này chỉ sánh với ngân hàng “cấp phường, xã” của Mỹ và số lượng như vậy là quá nhiều đối với một nền kinh tế có GDP khoảng 70 tỉ USD/năm như VN.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, điều quan trọng đối với hoạt động ngân hàng là chất lượng chứ không phải quy mô vốn hay số lượng. Ông Nghĩa dẫn chứng đối với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, số ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 20 triệu USD lên đến hàng ngàn. Sụp đổ vừa rồi cũng rơi vào những người khổng lồ Lehman Brothers, Morgan Stanley... chứ không phải ngân hàng nhỏ.

Việc lượng hóa điều kiện thành lập ngân hàng thay vì quy định chung chung “không thành lập nếu không có nhu cầu” là để phù hợp với cam kết WTO. Tuy nhiên, chính “người nhà” bị làm khó trước tiên vì với hàng rào kỹ thuật mới này, doanh nghiệp VN không thể nào với tới.

Đối với các đại gia tên tuổi, điều kiện này không quá khó khăn nên dự báo trong vòng 10 năm tới, sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài với quy mô lớn tại VN sẽ nhiều hơn khiến cạnh tranh tại thị trường tài chính trong nước thực sự khốc liệt.

Theo Phương Anh
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm