1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hết 2008, sân bay Nội Bài may ra mới hết dột!

(Dân trí) - Đã nhiều năm nay, hành khách qua lại ga hàng không quốc tế Nội Bài thường được “chiêm ngưỡng” cảnh những chiếc xô nằm rải rác dưới sàn để hứng nước mỗi khi trời mưa.

Ga hàng không và xô hứng nước

Chiều 8/9, Giám đốc Trung tâm Khai thác ga Nội Bài Lê Khắc Hồng cho biết: nhiều năm qua, Trung tâm khai thác ga Nội Bài đã nỗ lực hết sức để tu bổ hàng năm. Việc dùng xô nhựa hứng dột chỉ là biện pháp tạm thời để hành khách không bị trượt chân ngã.

Được biết, nhà ga Nội Bài có tổng diện tích khoảng 90.000 m2 xây dựng, diện tích mái là 23.000 m2. Mái bao gồm 3 chủng loại là mái tôn, mái bê tông và mái kính. Việc dột nước của nhà ga xuất hiện không lâu sau khi nhà ga này bắt đầu đi vào hoạt động.

Cụ thể, vào khoảng tháng 10/2001 nhà ga hoàn thành và được đưa vào khai thác, thời điểm này công trình đang thử tải đã phát sinh một vài chỗ dột. Sau 3 năm kể từ khi công trình được đưa vào khai thác, xuất hiện dột ở phần mái bê tông và các khe co giãn của công trình. Tiếp đó phần mái tôn bắt đầu dột. Hai năm trở lại đây, "đến lượt" phần mái kính cũng bị dột.

Mái kính có 4 khu vực phân bổ đều ở nhà ga chia thành các khu A, B, C, D. Trong đó, phần khu C là khu vực bị dột nhiều nhất hiện nay.

Nhà ga sân bay Nội Bài đưa vào sử dụng từ tháng 4 năm 2001. Dự án này có kinh phí 70 triệu USD và 320 tỷ đồng. Công suất khai thác của ga Nội Bài hiện nay là 7 triệu hành khách/năm. Doanh thu hàng năm của nhà ga T1 khoảng 600 tỷ đồng.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng mới nhà ga T2 để giảm tải cho T1.

Ông Lê Khắc Hồng cho biết, nhà chức trách và Công ty cảng hàng không miền bắc đã giải quyết triệt để được tình trạng dột nước tại khu D (phòng chờ ra máy bay) vào tháng 12/2007. Theo kế hoạch, phần khu A, B được triển khai sau khi làm xong khu D nhưng sang đầu năm 2008, dự án bị đình lại do giá cả leo thang, phải huỷ thầu để đấu thầu lại. Đến nay, việc đấu thầu sửa chữa khu vực này là 1,6 tỷ đã xong và đang chuẩn bị triển khai.

Ngoài 3 khu vực được xử lý kể trên còn có khu vực bê tông gồm 4 khu (mỗi khu 250m) cũng đã được xử lý triệt để từ năm 2007. Theo phản ánh của nhiều cán bộ tại ga Nội Bài, khu bê tông trước đây bị nặng nhất, mỗi khi trời mưa nước chảy thành dòng xuống khu vực làm thủ tục.

Đến khi nào ga Nội Bài hết dột?

Có thể nói, đây là mong mỏi của bất kỳ hành khách nào khi phải chứng kiến cảnh nhà ga hàng không hiện đại nhất cả nước bị dột nước mưa. Trong việc khắc phục, khu C có phần nan giải nhất do kiến trúc mang tính khác biệt: độ rộng mái của các khu khác chỉ là 15m dài 105m nhưng khu C rộng hơn nhiều lần.

Theo lãnh đạo Trung tâm khai thác ga Nội Bài, hiện có 3 phương án để sửa chữa triệt để khu vực này: thứ nhất là dùng cao su tổng hợp quét lên lớp kính, thứ hai là thay kính vỡ, toàn bộ gioăng và dán lớp pin giảm nhiệt, thứ ba là dùng tấm lợp thông minh dày 16mm, chịu được gió bão và mưa đá, ngăn được bức xạ mặt trời để thay toàn bộ kính ở khu C. Phương án thứ 3 được đánh giá là khả thi nhất với chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng (nếu quét cao su thì mất 800 triệu, thay kính và gioăng mất 1,2 tỷ - PV).

Về câu hỏi “chừng nào ga Nội Bài hết dột?”, ông Lê Khắc Hồng cho rằng: “Chúng tôi đang thực hiện các quy trình bắt buộc. Dự tính nếu nhanh nhất cũng phải hết năm 2008 mới hoàn thành phần mái dột còn lại”.

Phương Chi