Hé lộ thủ đoạn "đá" người đồng sáng lập của ông chủ Facebook (P2)
(Dân trí) - Sau khi mối quan hệ với người đồng sáng lập Saverin xấu đi, Mark Zuckerberg âm thầm bắt tay với các nhà đầu tư khác rồi thực hiện một số thủ thuật “pha loãng” tỉ lệ cổ phần thuộc sở hữu của Saverin rồi sa thải…
Sau khi không thể thuyết phục Saverin toàn tâm toàn ý với công ty, Zuckerberg quyết định giải quyết vấn đề bằng biện pháp cứng rắn. Trong một đoạn trao đổi trực tuyến với cộng sự Moskovitz, ông chủ của Facebook viết:
“Tôi bảo lưu quan điểm rằng anh ta đã tự loại bỏ mình…Nhiệm vụ của anh ta là phải thành lập công ty, tìm vốn và tạo dựng mô hình kinh doanh. Thế nhưng cả 3 nhiệm vụ đều không hòan thành…Giờ tôi không trở lại Harvard và sẽ không cần phải lo về việc bị tụi bạn Brazil của hắn hành hung. Tôi sẽ tống cổ hắn ta”.
Trong kỳ nghỉ Hè tháng 6/2004, trong lúc đang cùng Moskovitz xây dựng Facebook ở Palo Alto, California, Zuckerberg tình cờ gặp được người sáng lập trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến Napster là Sean Parker. Rất nhanh sau đó Parker gia nhập nhóm, đảm nhiệm công việc của Saverin đó là tìm nguồn tài trợ.
Với kinh nghiệm đã có ở Napster cùng các mối quan hệ ở thung lũng Silicon, Parker nhanh chóng chứng minh được khả năng và càng khiến Zuckerberg quyết đoán trong việc gạch tên Saverin. Vấn đề là làm thế nào để “hất cẳng” được người đồng sáng lập và là cổ đông lớn thứ 3 vào thời điểm đó?
Sau buổi gặp với nhà đầu tư tiềm năng Peter Thiel, người sau này trở thành cổ đông bên ngoài đầu tiên của Facebook, Mark và Parker quyết định học hỏi những chiêu thức mà Peter Thiel từng áp dụng đó là mở một công ty mới để mua lại TheFacebook.com. Sau đó giảm tỷ lệ cổ phần chia cho Saverin. Một đoạn hội thoại trực tuyến của Zuckerberg với công sự mà Business Insider thu thập được viết:
Cộng sự: Làm sao để qua mặt Eduardo bây giờ?
Zuckerberg: Tôi sẽ mua lại công ty và sau đó chia cho hắn ta ít cổ phần hơn trong công ty mới.
Cộng sự: Tôi không chắc có đáng để đương đầu với nguy cơ bị kiện chỉ để chia lại cổ phần. Anh chẳng được gì cả.
Zuckerberg: Không, tôi được chứ, bởi trước đây tôi cần Eduardo để công ty hoạt động. Sau vụ này tôi sẽ nắm toàn quyền.
Trong một đoạn hội thoại khác, Mark viết: “Eduardo liên tục từ chối hợp tác…Bây giờ chúng ta cần chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ sang một công ty mới và chấp nhận tham gia một vụ kiện….Tôi sẽ tống cổ hắn ra và chấp nhận thanh toán với hắn. Hắn ta sẽ được một khoản nào đó, dù sao hắn cũng xứng đáng được vậy…Eduardo phải ký một số thứ để chuẩn bị cho các khoản đầu tư vậy nhưng hắn ta vẫn trì hoãn còn tôi không thể chờ lâu hơn”.
Cuộc chiến quyền lực chính thức bắt đầu. Zuckerberg gửi thư tới luật sư của mình đề nghị triển khai kế hoạch. Trong một bức thư điện tử, Mark hỏi: “Có cách nào để thực hiện việc này mà không khiến hắn ta (Saverin) cảm thấy đau đớn vì đã bị giảm tỉ lệ cổ phần xuống 10% không?”.
Đáp lại luật sư cảnh báo rằng Saverin có thể kiện rằng việc chia cổ phần cho Dustin và Mark, kể cả cho Sean Parker đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác. Thế nhưng kế hoạch đã diễn ra suôn sẻ. Ngày 29/7/2004, công ty mới TheFacebook.com được thành lập tại bang Delaware và mua lại công ty cũ được đăng ký tại Florida.
Đến 27/9/2004, nhà đầu tư Peter Thiel chính thức sở hữu 9% cổ phần ở công ty mới với một trái phiếu chuyển đổi trị giá 500.000 USD. Trước giao dịch này Zuckerberg có 65% cổ phần, Saverin giữ 30% và Moskovitz có 5%. Sau giao dịch Zuckerberg có 40%, Saverin còn Saverin 14%, Moskovitz tăng lên 16% và Thiel nắm 9%. Số còn lại, khoảng 20% được dành cho những nhân viên trong tương lai. Kể từ đây một phần lớn cổ phần của Eduardo thuộc về Sean Parker.
Ngày 31/10/2004, Saverin chấp nhận ký một thỏa thuận đem lại cho mình 3 triệu cổ phần phiếu phổ thông ở công ty mới. Đổi lại cựu sinh viên trường Harvard phải giao lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến công ty đồng thời chuyển mọi quyền biểu quyết cho Mark Zuckerberg. Kể từ đây Zuckerberg trở thành lãnh đạo duy nhất của Facebook.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, ngày 7/1/2005, Zuckerberg ra lệnh phát hành 9 triệu cổ phần phổ thông và lấy 3,3 triệu cổ phần cho riêng mình, chuyển cho Parker và Dustin Moskovitz 2 triệu cổ phiếu. Đợt phát hành này ngay lập tức khiến tỷ lệ nắm giữ của Saverin giảm từ 24% xuống dưới 10%. Kể từ đây Saverin coi như đã hoàn toàn bại trận.
Những tháng sau đó dù dùng nhiều đòn khác nhau, từ kiện tụng đến hạ thấp uy tín đối thủ (cáo buộc Zuckerberg ăn cắp ý tưởng về mạng xã hội từ một người khác trong trường), Saverin cũng không thể giành lại những gì đã mất. Cuối cùng các bên chấp nhận ngồi lại bàn đàm phát và khép lại các cuộc chiến pháp lý. Cái tên Saverin cũng được xuất hiện trở lại trong danh sách những người sáng lập Facebook.
Dù bị “hất cẳng” đau đớn, nhưng xét cho cùng khoản đầu tư 15.000 USD của Saverin vào Facebook đã sinh lời khủng khiếp. Với số cổ phần đang nắm giữ, sau khi Facebook lên sàn, Saverin sẽ có trong tay 4 tỷ USD. Hồi giữa tuần, nhà đầu tư này tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Singapore, một bước đi giúp né được khoản thuế đánh vào lợi nhuận đầu tư chứng khoán mà theo ước tính của Bloomberg lên tới ít nhất 67 triệu USD.
Thanh Tùng
Theo Business Insider