Hé lộ doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng “tiến cử” làm cao tốc Bắc - Nam

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng vừa gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về việc giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho doanh nghiệp quân đội thực hiện.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12 được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Được biết, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội, có kinh nghiệm trong thi công các công trình đường cao tốc lớn, như: Quốc lộ 3 mới, Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Cam Lộ - Túy Loan...

Hé lộ doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng “tiến cử” làm cao tốc Bắc - Nam - 1
Bộ Quốc phòng tiến cử 1 doanh nghiệp làm 3 dự án cao tốc Bắc - Nam

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chuyển đề xuất của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho doanh nghiệp Quân đội thực hiện.

Văn phòng Chính phủ cho biết là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng; tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến.

Bộ này đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích 1 phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ...

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.

Ngày 26/3, trong thông báo về chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công.

Bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Châu Như Quỳnh