HDBank muốn nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém

Việt Đức

(Dân trí) - HDBank lấy ý kiến cổ đông về việc góp vốn không quá 9.000 tỷ đồng để nhận chuyển giao một ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện được kiểm soát đặc biệt.

Trong các nội dung được Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank - mã chứng khoán: HDB) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, đáng chú ý là nội dung tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. 

HĐQT HDBank trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt. Việc này theo ban lãnh đạo nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đồng thời mang lại lợi ích, tạo cơ hội cho HDBank và cổ đông. 

Sau khi HDBank tham gia tái cấu trúc, ngân hàng thương mại nói trên được chuyển giao bắt buộc, hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đại hội cổ đông sẽ phê duyệt chủ trương với việc HDBank thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc tại ngày chuyển giao bắt buộc và tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án được phê duyệt.

Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc. HDBank được loại trừ ngân hàng chuyển giao khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Khoản góp vốn vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

HDBank muốn nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém - 1

Sau Vietcombank và MBBank, HDBank công bố kế hoạch tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém (Ảnh: HDB).

HDBank sẽ tham gia hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với phương án được phê duyệt. Trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao, HDBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án được phê duyệt.

Ban lãnh đạo HDBank cho biết ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đối với ngành ngân hàng, việc nhận chuyển giao một ngân hàng thương mại giúp HDBank có cơ hội bứt phá tăng trưởng mạnh hơn. Với cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.

Trong hệ thống ngân hàng thương mại, 3 ngân hàng mua lại bắt buộc gồm CBBank, OceanBank, GPBank. Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện tái cơ cấu. 

Trước đó, hai ngân hàng lớn gồm Vietcombank và MB cũng đã bắt đầu có những tín hiệu tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng bắt buộc mua lại. 

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh hồi đầu năm của OceanBank, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái tham dự với tư cách khách mời. Trong khi đó, Vietcombank đã tham gia hỗ trợ quản trị, điều hành và ký thỏa thuận hợp tác với CBBank từ năm 2014. Tuy nhiên, cả Vietcombank và MBBank vẫn chưa chính thức nhận chuyển giao nhà băng nào.

Trước đó, HDBank cũng từng lên kế hoạch sáp nhập PGBank nhưng không thành công. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank tuy nhiên hai nhà băng đã không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.