1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hãy tìm chiến lược thay vì ngồi “kêu”!

Siêu thị đầu tiên của hệ thống Saigon Co.op ra đời năm 1996, khi đó cả nước đếm trên đầu ngón tay chỉ có 4 - 5 siêu thị. Vì vậy, dù trong giai đoạn “khởi đầu” nhưng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ lúc đó có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thời điểm đó đã qua, việc mở cửa lĩnh vực phân phối lúc này đang đưa các nhà bán lẻ VN trước một cuộc cạnh tranh mới đầy khốc liệt.

Áp lực ngày càng nặng

Có nhiều ý kiến nói rằng lĩnh vực bán lẻ của VN kém, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, lĩnh vực này đang hoạt động tốt. Với kênh phân phối mở, nhiều loại hình, thành phần tham gia, khoảng cách giữa nhà phân phối và nhà sản xuất được kéo gần. Giao dịch giữa Saigon Co.op với nhà cung cấp hiện nay là trực tiếp hoàn toàn.

Theo ông Hòa, hệ thống phân phối hàng tiêu dùng đang được hoàn thiện với tốc độ nhanh và sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, tạo ra nhiều cơ hội.

Điều này lý giải vì sao gần đây lĩnh vực này được nhiều nhà phân phối chuyên nghiệp và trên thế giới “chăm sóc” kỹ. Và cũng đương nhiên, cuộc cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Hầu hết các nhà bán lẻ VN đều thú nhận họ đang bị áp lực rất lớn.

Làm thế nào để thỏa mãn khách hàng tốt hơn trong khi sự thỏa mãn này không có biên giới và liên tục phát triển? Đơn cử như sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu như năm 2003, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu thì tới năm 2004, sự an toàn trong sản phẩm là cái mà người tiêu dùng đòi hỏi và đến năm 2005, chất lượng, sự an toàn chỉ còn là vấn đề tất yếu, cái mà người tiêu dùng hiện nay hướng tới là sự tiện ích của sản phẩm.

Ví dụ như một con cá, không chỉ bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà phải sơ chế, tẩm ướp... như thế nào để thuận lợi cho các bà nội trợ trong quỹ thời gian ít ỏi... Bên cạnh đó là áp lực thị trường, đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều và đều là những đối thủ tầm cỡ. Họ cũng luôn tìm cách cải tiến và hoàn thiện mình nên nhiệm vụ đè lên các nhà phân phối trong nước ngày càng nặng.

Ưu thế không còn...

Khi các nhà phân phối nước ngoài mới nhảy vào VN, dù xác định được áp lực cạnh tranh nhưng các nhà phân phối trong nước vẫn “ung dung” vì cho rằng họ có lợi thế về mặt bằng và lượng khách hàng thân thiết.

Tuy nhiên, trong kinh doanh, những lợi thế từ bên ngoài không thuộc sở hữu của riêng ai. Cho dù đến sau, nhưng với ưu thế hơn hẳn về tài chính, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài hoàn toàn có thể có được những mặt bằng đẹp, rộng, tọa lạc ở những vị trí thuận lợi.

Chẳng hạn tập đoàn siêu thị Parkson (Malaysia) đã thuê lại trung tâm thương mại của Saigontourist tại đường Lê Thánh Tôn và sẽ khai trương vào tháng 6 tới. Còn người tiêu dùng, không thể trách họ nếu họ “bỏ” đi dù đã có thời gian dài gắn bó.

Bởi đối với khách hàng, nơi nào thuận tiện, giá hấp dẫn, dịch vụ chuyên nghiệp họ sẽ chọn. Về vấn đề này, không thể phủ nhận ưu thế của tập đoàn bán lẻ nước ngoài về kinh nghiệm, nguồn tài chính dồi dào, có mạng lưới toàn cầu và đặc biệt họ có thể điều phối được lợi nhuận trong toàn bộ hệ thống (nơi có lãi bù lỗ cho nơi chưa có).

Còn những nhà bán lẻ trong nước thì sao? Saigon Co.op, hệ thống siêu thị lớn nhất VN hiện nay cũng chỉ có 14 siêu thị trên tổng số 24 quận, huyện của TPHCM và việc mở rộng tại TP cũng đang là bài toán nan giải.

Những chiến lược “chắc thắng”?

Mở cửa là xu thế tất yếu của hội nhập. Mặc dù đang bị áp lực rất lớn nhưng tâm lý chung của các nhà bán lẻ trong nước là sẵn sàng đối mặt. “Tôi đang rất căng thẳng nhưng cũng rất tự tin về việc giữ vững và phát triển thị phần của mình.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó phải thực hiện hàng loạt sự nỗ lực chứ không chỉ ngồi kêu”- ông Hòa nói. Không tiết lộ về đường đi nước bước nhưng Saigon Co.op đang hết sức nỗ lực trong việc xây dựng những chiến lược dài hơi về giá và sự thỏa mãn cho khách hàng.

Việc đầu tư 1,5 triệu USD cho hệ thống điện toán, mở rộng kho, xây dựng trung tâm phân phối hiện đại... sẽ tiết kiệm được chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), cho rằng vấn đề yếu nhất của VN là không có những nhà phân phối chuyên nghiệp, đa số vẫn làm theo phương thức vừa sản xuất vừa bán hàng.

Chính vì vậy, để có thể cạnh tranh được, ngoài việc chuyên nghiệp hóa, liên kết với nhau để tạo thành những tập đoàn phân phối mạnh, có thể đối phó với tình hình sắp tới là nhiệm vụ cấp bách mà các nhà bán lẻ trong nước phải nhanh chóng tiến hành.

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm