Hậu WTO: Bốn thách thức cho các nhà sản xuất Việt Nam
Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì sau khi Việt Nam gia nhập WTO? Chúng tôi cho rằng có bốn thách thức đang chờ đón họ trong những năm tới.
Thách thức thứ nhất: các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện bán phá giá của nước ngoài đối với sản phẩm xuất khẩu của mình, và do đó phải xây dựng các kế hoạch phòng bị.
Gia nhập WTO không có nghĩa là sẽ giảm được rủi ro vướng vào tranh chấp thương mại với các nước đối tác, ít nhất trong vòng 12 - 15 năm, là thời gian Việt Nam bị coi là có nền kinh tế phi thị trường và dễ bị các nước đối tác tận dụng để áp đặt biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp tự vệ đặc biệt cũng như tự vệ đối với từng loại hàng hóa.
Vì nhiều nước đang phát triển cũng đang phải phụ thuộc vào xuất khẩu các hàng hóa có giá trị thặng dư thấp, là những hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế so sánh tương đối, nên các nhà quản lý phải xây dựng các kế hoạch phòng bị cho các tranh chấp thương mại với các nước này.
Kế hoạch phòng bị thường bao gồm bốn bước chính:
Nắm vững các thủ tục và luật pháp liên quan về kiện bán phá giá và các tranh chấp thương mại khác với các nước đối tác đang phát triển trong khuôn khổ giải quyết tranh chấp của WTO.
Xây dựng các giải pháp phòng ngừa tranh chấp thương mại.
Duy trì các luồng tài chính và sản xuất trong khi doanh nghiệp đang bận rộn tham gia giải quyết tranh chấp thương mại hoặc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài.
Hợp tác với chính quyền địa phương và trung ương trong các cuộc điều tra và vận động hành lang để giành được sự ủng hộ của họ.
Thách thức thứ hai: gia nhập WTO sẽ buộc các nhà sản xuất nâng cấp sản phẩm của mình trên bậc thang giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường của họ. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ bị vướng vào các tranh chấp thương mại (nếu chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị thặng dư thấp, sử dụng nhiều lao động thì sẽ đối mặt với rủi ro bị kiện phá giá lớn hơn vì đây cũng chính là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước đang phát triển), giảm thiểu tác động có thể có của các tranh chấp thương mại và cải thiện tính cạnh tranh của mình, giảm khả năng bị lấn lướt bởi sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu bởi các doanh nghiệp nước ngoài và chi nhánh, vốn có tính cạnh tranh cao hơn.
Nguy cơ này nảy sinh từ việc biểu thuế nhập khẩu các mặt hàng vào Việt Nam sẽ bị cắt giảm đáng kể và việc mở cửa thị trường phân phối ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu là doanh nghiệp hoàn toàn nội địa thì cần thực hiện việc này thông qua ba phương hướng sau:
Nâng cấp và địa phương hóa dây chuyền giá trị gia tăng sản phẩm của mình trong bối cảnh có năng lực về vốn và nghiên cứu - triển khai hạn chế.
Phát triển thương hiệu riêng của mình.
Phát triển thị trường riêng cho sản phẩm của mình, hoặc là trong nước hoặc là quốc tế. Nếu là doanh nghiệp liên doanh, cần thuyết phục đại bản doanh chuyển giao công nghệ và sản phẩm mới nhất cho liên doanh và phải bảo vệ bí mật về qui trình và công nghệ sản xuất.
Thách thức thứ ba: gia nhập WTO sẽ buộc các nhà sản xuất thúc đẩy quá trình địa phương hóa nhân sự cấp cao. Trên thực tế, gia nhập WTO sẽ không chỉ thúc đẩy quá trình địa phương hóa nhân sự cấp cao mà còn làm tăng tầm quan trọng của việc có được chiến lược địa phương hóa đúng đắn - lựa chọn chiến lược địa phương hóa thích hợp và tốc độ thực thi chiến lược đó.
Đối với các giám đốc điều hành hoặc giám đốc nhân sự, mục tiêu là phải duy trì được một quan hệ làm việc hòa nhập giữa quản lý người nước ngoài và quản lý người bản địa, thu được sự trung thành và động cơ làm việc đúng đắn của cán bộ quản lý cấp trung gian hiện có, tránh để họ bị chèo kéo bởi các đối thủ.
Do sự cạnh tranh để có được đội ngũ nhân sự cấp cao giàu kinh nghiệm nên tiền lương có xu hướng bị đội lên quá mức. Các doanh nghiệp cũng phải lưu ý rằng địa phương hóa (nội địa hóa) nhân sự cấp cao không nhất thiết làm giảm (đáng kể) chi phí nhân sự.
Thách thức thứ tư: gia nhập WTO sẽ buộc các nhà sản xuất phải nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Các nhà sản xuất phải cân đối được việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ, tiêu chuẩn ISO, vấn đề lao động trẻ em...) trong khi vẫn duy trì được tính cạnh tranh của sản phẩm. Điều này không chỉ có nghĩa là phải đào tạo công nhân tuân thủ các thông lệ làm việc mới trong khi giữ chi phí ở mức thấp, mà còn đòi hỏi phải thực thi các chính sách bổ trợ tương ứng của chính phủ, các chính sách về công nhân ngoại tỉnh.
Ngoài chuyện thi hành các tiêu chuẩn quốc tế thường có nghĩa là chi phí sẽ rất tốn kém cho các nhà sản xuất Việt Nam (đôi khi đủ lớn để làm mất đi lợi thế lao động giá rẻ tại Việt Nam), một số nước nhập khẩu có thể sử dụng các tiêu chuẩn này làm hàng rào phi thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước của họ.
Đặc biệt là trường hợp của rào cản công nghệ (TBT) hay còn gọi là “tiêu chuẩn xanh”, theo đó mỗi nước nhập khẩu được phép có tiêu chuẩn và qui chế riêng và theo đuổi các “biện pháp cần thiết” để áp đặt chúng. Chi phí giao dịch để áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia này thậm chí còn cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải đối mặt với bốn thách thức này trong bối cảnh hạn hẹp về thời gian và nguồn lực. Cần lưu ý rằng bốn thách thức này là có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau, và vì thế không thể chỉ tập trung giải quyết một thách thức mà xem nhẹ những cái còn lại. Ví dụ, chính sách phát triển sản phẩm và chính sách địa phương hóa nhân lực có thể không bổ trợ cho nhau.
Mục đích của chính sách địa phương hóa nhân lực là cắt giảm chi phí nhân lực, trong khi chính sách phát triển sản phẩm đòi hỏi nguồn nhân lực lành nghề thường là được đào tạo ở nước ngoài để đảm đương việc nghiên cứu - triển khai (R&D) và thiết kế. Đây là lý do một số doanh nghiệp thích tuyển dụng Việt kiều, một kiểu “địa phương hóa cái đã được quốc tế hóa”, tất nhiên là chi phí tiền lương phải trả cao hơn.
Theo TS Phan Minh Ngọc
Tuổi Trẻ