1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Hậu” VN-Index tuột khỏi ngưỡng 1.000 điểm

Sự kiện <a href="http://www11.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/4/175024.vip"> tuột khỏi ngưỡng 1000 điểm</a> của VN-Index khiến giới đầu tư e ngại. Thị trường có thể về đến mức 900 như nhiều người đã chuẩn bị tâm lý? Hãy xem những nhận định của các chuyên gia chứng khoán xung quanh vấn đề này.

Ông Võ Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt: Bán tháo chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ

Theo dõi những phiên gần đây, tôi thấy bán ra ồ ạt là những nhà đầu tư nhỏ. Họ có vẻ mất bình tĩnh khi VN-Index liên tục sụt giảm. Tuy nhiên họ lại chiếm số đông trên thị trường nên động tác bán bằng mọi giá để thu hồi vốn đã góp phần khiến VN-Index xuống dưới 1.000 điểm vào ngày 16/4/2007.

Nếu trong những ngày tới, các nhà đầu tư lớn hay tổ chức vẫn tiếp tục chờ giá xuống rồi mới mua vào thì VN-Index chưa thể hồi phục ngay được. Còn họ chỉ cần mua lại một vài phiên thì VN-Index sẽ không xuống nữa và có khả năng lên lại.

Tôi chưa thấy có những dấu hiệu xấu khiến TTCK điều chỉnh quá sâu vì các công ty niêm yết hầu hết có kết quả kinh doanh khả quan, tình hình kinh tế chung những tháng đầu năm 2007 vẫn tốt, đầu tư nước ngoài tăng, nguồn vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vẫn được rót thêm.

Từ phiên 9/4 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào nhiều hơn bán và đó cũng là điều mà các nhà đầu tư trong nước nên tham khảo.

TS Kinh tế Thiệu Quang Thắng: Sốt địa ốc và giá vàng tăng có ảnh hưởng nhất định

Có vẻ như chu kỳ tháng 4 ảm đạm đã tác động đến nhiều nhà đầu tư, họ lo ngại các cảnh báo TTCK sẽ điều chỉnh từ những quan chức, chuyên gia nên không dám mua tiếp và khi chỉ cần một số bán là đám đông sẽ bán theo, kéo theo hiện tượng dây chuyền và VN-Index không thể cầm cự mãi được.

Cơn số địa ốc vừa qua cũng góp phần kéo một lượng lớn nhà đầu tư bán cổ phiếu chuyển sang địa ốc, giá vàng tăng mạnh mấy ngày nay càng làm nhiều nhà đầu tư nhỏ thêm sốt ruột và muốn rời thị trường để bảo toàn vốn. Việc hàng loạt hàng hóa tăng giá vừa qua trong khi TTCK lại giảm mạnh cũng tác động đến tâm lý nhiều nhà đầu tư và họ muốn bán cái đang mất giá hơn là giữ nó.

Trong tình hình này, tôi nghĩ VN cũng sẽ làm như một số nước là thông qua các định chế tài chính, Nhà nước sẽ có biện pháp để TTCK không điều chỉnh quá sâu vì nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn sắp diễn ra.

Các nhà đầu tư lớn, tổ chức, quỹ đầu tư nắm số lượng lớn CP blue chip cũng sẽ mua vào nếu giá CP xuống thấp để giữ vốn cho chính họ.

Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước: Không thể xuống dưới 900 điểm

Tôi biết nhiều nhà đầu tư, tổ chức cơ cấu lại danh mục bằng cách bán bớt CP mà họ mua từ cuối năm 2006 do đã đủ lợi nhuận cần thiết và gom vốn để chờ các doanh nghiệp lớn như VCB, MobiFone, Bảo Việt... cổ phần hóa vào nửa cuối năm nay.

Có thể họ đã bán dần cho đến hết từ khi thị trường đang nóng nên bây giờ không cần mua vào để “cứu” số còn lại nữa. Nhưng tôi tin VN- Index không thể xuống dưới 900 điểm vì TTCK Việt Nam có quy mô lớn và tác động đến xã hội mạnh hơn các năm trước rất nhiều.

Nếu để TTCK rơi tự do, sẽ có phản ứng dây chuyền đến các ngành khác và chúng ta đã đủ lực, kinh nghiệm, trình độ  để điều đó không xảy ra. Các nhà đầu tư nên bình tĩnh, vì càng bán vội càng lỗ lớn, tôi mong mọi người nên nhớ lại bài học đợt điều chỉnh giữa năm 2006.

Những người kiên nhẫn chờ và tỉnh táo chính là những người thắng đậm khi VN-Index từ dưới 500 điểm vọt lên 1000 điểm vào cuối năm 2006.

Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Thắng (sàn SSI TPHCM): Giảm chủ yếu do tâm lý

Nửa tháng nay tôi không mua cũng không bán gì và chỉ theo dõi thị trường. Nhưng tôi sẽ mua vào từ từ nếu hai, ba phiên nữa giá CP vẫn xuống vì tôi tin VN-Index sẽ lên lại chậm nhất trong vòng 10 ngày nữa.

Tôi thấy các nhà đầu tư nước ngoài mua vào không nhiều như trước nhưng họ mua vẫn nhiều hơn bán.

Một số nhà đầu tư cá nhân có vốn 5-10 tỷ mà tôi quen biết cũng không bán ra ồ ạt. GĐ một quỹ đầu tư nước ngoài có phân tích cho tôi thấy việc VN-Index giảm mạnh hiện nay chủ yếu do tác động tâm lý chứ các chỉ số kinh tế xã hội của Việt Nam mấy tháng  vẫn khởi sắc, thậm chí có nhiều yếu tố thuận lợi hơn năm 2006.

Tuy nhiên với việc phụ thuộc quá nhiều vào cách mua bán theo cảm tính của các nhà đầu tư nhỏ như hiện nay thì TTCK VN cũng khó lên ngay trong vài phiên tới. Về lâu dài tôi tin VN-Index sẽ trở lại mức 1.100 điểm và tăng nhẹ từ tháng 7 trở đi.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm