Hành trình phát triển bền vững của Tetra Pak tại Việt Nam
(Dân trí) - Năm 2019 chuẩn bị khép lại với những dấu ấn đặc biệt trong hành trình phát triển bền vững của nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển – Tetra Pak tại Việt Nam với hai giải thưởng phát triển bền vững từ Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD).
Sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên đã đặt ra yêu cầu phát triển bền vững đối với không chỉ mỗi cá nhân mà còn các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ.
Đến từ Thụy Điển – một quốc gia nổi tiếng thế giới về quản lý và tái chế chất thải với chỉ 1% chất thải phải chuyển đến bãi rác, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm Tetra Pak đã tự đặt ra cho mình trách nhiệm thúc đẩy toàn ngành hướng đến những tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và tiên phong “mở đường” cho nhiều sáng kiến bền vững.
Tetra Pak đã chính thức có mặt tại Việt Nam hơn hai thập niên và năm 2019 là một năm để lại dấu ấn đặc biệt trong hành trình phát triển bền vững của Tetra Pak tại thị trường hơn 90 triệu dân.
Đầu tháng 6 năm nay, hãng công bố Báo cáo bền vững 2019, trong đó nêu rõ cam kết xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon, phát triển bền vững xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị, qua đó giảm tác động biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải carbon từ hoạt động kinh tế của Công ty. Được biết, gần 100% hộp giấy đựng đồ uống của hãng tại Việt Nam đều dán nhãn FSC.
Cũng trong tháng 6 năm 2019, doanh nghiệp đến từ Thụy Điển này đã bắt tay với tám công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và bao bì để thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam với tham vọng thu gom và tái chế tất cả các bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường vào năm 2030.
Đầu tháng 7 năm 2019, hãng đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy tại Bình Dương - một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ LEED Vàng – phiên bản 4, là phiên bản khắt khe nhất về môi trường được công nhận toàn cầu. Nhờ vậy, nhà máy có thể tiết kiệm được 36% năng lượng sử dụng và tái sử dụng 21 triệu lít nước mỗi năm.
Tháng 11 năm 2019 chứng kiến hàng loạt hoạt động có ý nghĩa của Tetra Pak trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững chung của toàn ngành và toàn xã hội. Cụ thể, Công ty đã cùng với các đối tác là doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương mở rộng chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tới hơn 600 trường mầm non và tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi triển khai thí điểm thành công tại 30 trường mầm non trên địa bàn thành phố trong năm học 2018-2019. Trước đó, giữa tháng 10 năm 2019, hãng cũng đã khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường học ở 18 quận huyện Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhằm không ngừng mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đến để thu gom đi tái chế, Tetra Pak đã phối hợp với chuỗi bán lẻ LOTTE Mart và NHC ra mắt dự án Ngôi nhà vỏ hộp giấy tại LOTTE Mart Nam Sài Gòn. Những Ngôi nhà này được làm bằng vật liệu tái chế là vỏ hộp giấy, bổ sung thêm 04 điểm thu gom công cộng cho mạng lưới gần 30 điểm thu gom hiện tại.
Những sáng kiến bền vững nói trên đã được Phòng Thương mại Châu Âu trao ghi nhận bằng giải thưởng Sáng kiến kinh doanh bền vững và giúp Tetra Pak lọt vào Top 10 doanh nghiệp bền vững ngành sản xuất do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng.
Năm 2019 là cột mốc để Tetra Pak vươn xa hơn nữa trong hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu chung là giảm lượng khí nhà kính 42% và sử dụng năng lượng tái tạo 100% vào năm 2030 và tầm nhìn sản xuất vỏ hộp giấy hoàn toàn từ các vật liệu có nguồn gốc thực vật.