1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hải Dương:

Hành tỏi rớt giá thảm, 1 kg không bằng bao thuốc lá

(Dân trí) - Được mệnh danh là vựa hành, tỏi tím lớn nhất xứ Bắc nhưng người dân huyện Kinh Môn (Hải Dương) năm nay “méo mặt” vì hành, tỏi rớt giá thảm. Theo phản ánh của nhiều người dân, giá củ hành, tỏi năm nay chỉ bằng 1/3 so với các năm trước.

Giá 1kg hành tỏi tươi tại ruộng giá 3.000 đồng, trong khi các năm trước giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Không bán được hành sớm, Tết này lại nhiều lắm những nỗi lo với những người nông dân địa phương.

Hành tỏi rớt giá thảm, 1 kg không bằng bao thuốc lá

Bà Phạm Thị Dần cho biết, 1kg hành củ cầm trên tay có giá không bằng 1 bao thuốc lá dù cất công chăm sóc 4 tháng trời

Tết mất ngon vì hành mất giá!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Huyện Kinh Môn - Hải Dương là vùng bán sơn địa, 3/4 diện tích là đồi núi với nhiều diện tích đất xám mà người dân quen gọi là “đất thịt”. Đây là loại đất rất thuận lợi cho việc trồng chuyên canh các loại cây vụ đông như hành và tỏi. Theo người dân địa phương, vùng có truyền thống trồng tỏi, hành từ xa xưa với các loại “tỏi tím”: củ chắc, màu tím, hương vị thơm và được ưa chuộng tại nhiều nơi. Hành củ cũng hợp với vùng đất và thổ nhưỡng tại đây nên rất năng suất, củ to đều, khóm lớn.

Ngoài diện tích đất xám, vùng này còn có diện tích đất phù sa, đất sét pha cát được bồi đắp bởi con sông Kinh Thầy (một chi lưu của Sông Thái Bình) chảy qua địa phận của huyện. Yếu tố thiên nhiên đa dạng đã giúp vùng có nhiều loại cây đặc sản trong đó diện tích tỏi và hành đang giúp vùng quê này thoát nghèo nhanh chóng.

Tuy nhiên, mấy năm nay theo nhiều người dân địa phương giá hành đột nhiên hạ xuống rất thấp khiến nhiều hộ nông dân mất ăn, mất ngủ và mất đi cái tết to.
 
Theo ông Trần Văn Minh, người dân tại Thất Hùng, Kinh Môn cho biết: “Thời gian sinh trưởng của tỏi, hành khoảng 4 tháng trong vụ đông và cho thu hoạch trước tết tầm 15 ngày. Cây hành, tỏi đã gắn bó với người nông dân địa phương này từ thời xa xưa cho đến nay và là cây vụ đông chủ lực có giá trị kinh tế cao. Nhiều mái nhà tầng, đường làng, ngõ xóm và căn biệt thự được xây dựng bởi củ hành, cây tỏi. Tuy nhiên, mấy năm nay giá hành xuống quá thấp, 1kg hành tươi giá bán chỉ 3.000 đồng/kg, mức giá chưa bằng bao thuốc lá bán ngoài chợ. Mức giá này không đủ bù đắp cho giá phân bón tăng cao chứ chưa nói công chăm bón”.

Mặc dù không phải là cây phục vụ tết song do thu hoạch cận kề nên hành, tỏi được xem là sản phẩm tiêu tết chính của bà con địa phương. Theo ghi nhận từ mồng 10 tháng Chạp  người dân địa phương đã bắt đầu bán tỏi, hành tươi cho thương lái để lấy tiền mua sắm và chi tiêu cho cái tết đầy đủ.

Mọi năm chỉ cần bán 1 sào hành, tỏi (1 sào bắc bộ bằng 360 m2) người dân có thể sắm tết thoải mái. Nếu giá hành, tỏi dao động từ 12 – 15.000 đồng/kg, năng suất trung bình khoảng 8 tạ/sào, bán 1 sào hành, tỏi người dân có thể thu về từ 9 - 12 triệu đồng, trừ tất cả chi phí và công chăm bón, người nông dân lãi khoảng 4 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên như giá cả năm nay, giá 1 sào hành chưa đến 3 triệu đồng, mức giá bán này không đủ công chăm bón.

Cần thương hiệu để đi xa

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều diện tích hành đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân vẫn để ngoài đồng, nhiều cây hành, tỏi mọc thêm nhánh, mầm thậm chí đơm hoa khiến mất chất dinh dưỡng, củ không ngon và khó bán.

Nhiều gia đình đã thu hoạch hành, tỏi về nhà phơi khô chờ giá tăng lên. Theo nhiều người, giá hành, tỏi để khô có thể tăng giá cao hàng chục giá, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: mất công phơi sấy, giá lên xuống thất thường, có năm được, năm mất nên không biết đâu mà lần.

Giá quá rẻ, nhiều nhà chọn cách treo hành tại nhà để chờ giá tăng.

Giá quá rẻ, nhiều nhà chọn cách treo hành tại nhà để chờ giá tăng.

Mặc dù chưa có hiện tượng bỏ hành, tỏi do giá quá rẻ nhưng với giá bán rẻ như cho, người nông dân tại Kinh Môn, Hải Dương năm nay mất công mà không thu được cả vốn lẫn lời.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng một chủ buôn hành tỏi lớn tại Tp Hải Dương, giá hành, tỏi phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường nhập khẩu. Một ngày nhập nhiều cũng chỉ 10 container, còn chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Hiện các sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc, có 1 số đơn hàng lẻ xuất khẩu đi Trung Đông, Nga. Giá lên xuống thất thường, giá rẻ là do phía Trung Quốc nhập ít, một số đầu mối dừng nhập. Bên cạnh đó, dù bán nhiều, số lượng lớn nhưng hành tỏi địa phương vẫn chủ yếu bán theo kiểu bán đổ đống nên bị ép giá.

Hiện, các loại tỏi tím to tròn, đều củ… hằng năm vẫn được xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nga nhưng số lượng còn khiêm tốn. Theo ông Hùng: về chất lượng thì không ai chê nhưng nếu hành, tỏi có nhãn mác, đóng gói bao bì và đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về an toàn thực phẩm thì việc chiếm lĩnh thị trường các nước trên không khó. Thậm chí, nếu làm tốt hơn về thương hiệu, tuân thủ đúng các yêu cầu về sản xuất an toàn thì việc xuất khẩu sang các nước Úc, Nhật và EU là hoàn toàn “có cửa” và “rộng cửa”.

Hành, tỏi trổ hoa vì người dân không muốn thu hoạch vì giá quá rẻ

Hành, tỏi trổ hoa vì người dân không muốn thu hoạch vì giá quá rẻ

Theo một lãnh đạo xã Quang Trung – Kinh Môn, Hải Dương: “Mặc dù hành, tỏi tại địa phương có từ nhiều năm, được bán đi các địa phương, xuất sang Trung Quốc nhưng hành tỏi tại đây vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa. Chất lượng tỏi tím: thơm, ngon nức tiếng không kém gì tỏi xuất khẩu tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nhưng do chưa làm được thương hiệu, chưa được quảng bá rộng rãi nên người dân chỉ biết trồng ra, bán cho lái buôn địa phương rồi đổ cho các chủ hàng lớn trong tỉnh rồi hành, tỏi tại đây đi đâu không ai biết. Địa phương vẫn có các hợp tác xã nhưng chủ yếu hoạt động về khuyến nông cho các cây, con còn về thị trường thì không có cán bộ đi làm thị trường, các văn bản chỉ thị và hướng dẫn”.
 
Nguyễn Tuyền 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”