“Hàng xách tay” Thái Lan tràn ngập
Đa số hàng mỹ phẩm Thái Lan không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt
Gần đây, khi người tiêu dùng Việt Nam có phần bớt mặn mà với hàng Trung Quốc thì hàng Thái Lan đã thâm nhập trở lại thị trường Việt Nam. Điều đáng quan tâm là trong khi tình hình nhập khẩu hàng Thái Lan có dấu hiệu sụt giảm thì các mặt hàng từ nước này được bày bán tràn lan trên thị trường Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác.
Không nhãn, không hạn sử dụng
Thường một cửa hàng bán hàng Thái Lan có tới hàng trăm mặt hàng thuộc những nhóm chính là: hóa mỹ phẩm, thực phẩm và đồ gia dụng. Giá cả những mặt hàng này thường cao hơn khoảng 30%-40% so với hàng nhập khẩu Trung Quốc và hàng sản xuất trong nước nhưng vẫn “được lòng” khách hàng.
Một nhân viên bán hàng tại siêu thị hàng Thái trên đường Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết: “Nhiều người chọn mua hàng vì giá không quá đắt mà lại có nhiều mặt hàng để chọn lựa”.
Tuy vậy, tại những cửa hàng này, hầu hết các sản phẩm thuộc dòng mỹ phẩm đều không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cũng như không có tem nhập khẩu, nhiều mặt hàng không hề tìm thấy hạn sử dụng mà chỉ có ngày sản xuất. Khi chúng tôi hỏi nhân viên bán hàng của các cửa hàng bán đồ Thái thì đều nhận được câu trả lời: “Hạn sử dụng đồng loạt là 3 năm đối với tất cả các sản phẩm”. Thắc mắc về chất lượng sản phẩm, các nhân viên bán hàng đều khẳng định đây là “hàng Thái xịn” được xách tay về nên không phải lo lắng về chất lượng.
Chủ một siêu thị hàng Thái trên đường Tây Sơn (Hà Nội) giải thích thêm: “Sản phẩm đồ ăn, đồ uống, một số mặt hàng điện gia dụng… có trọng lượng lớn nên không thể xách tay về được, phải lấy hàng từ các công ty nhập khẩu và phân phối nên có nhãn phụ và tem nhập khẩu của công ty. Còn mỹ phẩm, đồ lót… nhỏ gọn thì thường là xách tay hoặc ký gửi máy bay nên không có tem nhãn tiếng Việt”.
Khó quản lý
Tuy hàng Thái Lan xuất hiện tràn lan trên thị trường nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ nước này lại có dấu hiệu sụt giảm. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thái Lan đạt 8,18 tỉ USD, tăng 20,5% so với năm 2010. Riêng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan năm 2011 đạt trên 6,38 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2012, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ nhập khẩu từ Thái Lan 3,78 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất như: xăng dầu (461 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (319 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (323 triệu USD), linh kiện, phụ tùng ô tô (226 triệu USD)... Sau đó mới tới một số mặt hàng tiêu dùng khác như hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, quần áo…
Như vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ Thái Lan về và bày bán tràn lan trên thị trường phần lớn lại không qua con đường chính ngạch và không dễ kiểm soát chất lượng.
Đại diện Bộ Công Thương nói “hàng xách tay” được đưa về nước có thể hiểu là hành lý của người xuất nhập cảnh, hàng nhập khẩu phi mậu dịch, nhập khẩu qua đường biên mậu, hàng miễn thuế… nên không phạm luật và khó có thể kết luận có trái phép hay không. Khi mua những sản phẩm này, người mua hàng cũng khó có thể biết được có phải là hàng giả, hàng nhái và xuất xứ… |
Theo Phương Nhung
NLĐ