Hàng tỷ USD sẽ đổ vào Quảng Bình trong thời gian tới?

(Dân trí) - Chiều 5/4, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất vào tỉnh Quảng Bình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
 
Quảng Bình nằm trên trục hành lanh Đông Tây, với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường sông, Quảng Bình là tỉnh có lợi thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế Đông - Tây, và là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển trong các lĩnh vực trọng yếu như: du lịch, tài nguyên rừng, đất rừng, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, năng lượng điện, thủy hải sản, các khu kinh tế, khu công nghiệp…
 
Trong đó, tiềm năng lớn nhất của Quảng Bình được đánh gia là du lịch, đặc biệt Quảng Bình có một “Vương quốc hang động” tráng lệ ở rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
 
Với những lợi thế và tiềm năng trên, trong giai đoạn 2014 - 2015, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi đầu tư 40 dự án với 6 lĩnh vực hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao trong đầu tư kinh doanh so với nhiều địa phương khác trong cả nước bao gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp nói riêng; phát triển thương mại du lịch; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, y tế và giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài khẳng định, tỉnh Quảng Bình sẽ ưu đãi thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng cam kết áp dụng một số chính sách hỗ trợ đầu tư khác như: hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động; giao đất sạch, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư tham gia Hội nghị, BIDV đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu cấp giấy phép đầu tư và ký cam kết đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm với tổng số vốn hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó đang chú ý là các dự án như: Dự án Quần thể Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng của tập đoàn Sun Grup với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh – Hải Ninh của Tập đoàn Sun Grup với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng KCN Hòn La II của Công ty CP Tập đoàn FLC đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (bìa phải) ký cam kết đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh cho các nhà đầu tư và trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm với tổng số vốn hơn 8.500 tỷ đồng

Cũng trong Hội nghị lần này, UBND tỉnh Quảng Bình đã ký cam kết 5 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 7.000 tỷ đồng và 200 ngàn USD, đồng thời tại Hội nghị, BIDV cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về cung ứng tín dụng và dịch vụ ngân hàng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tinh thần chủ động, sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV trong việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất tại Quảng Bình.

Qua đây, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình có lộ trình cụ thể để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện, đem lại sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Bình. 
 

 13 dự án được UBND tỉnh Quảng Bình trao Giấy chứng nhận đầu tư:

1. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh - Hải Ninh của Tập đoàn Sun Group với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.

2. Dự án Quần thể Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng của Tập đoàn Sungroup với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

3. Dự án Trung tâm Thương mại - Siêu thị Co.opmart Quảng Bình của Liên Hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.orp) với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng.

4. Dự án Nhà máy may xuất khẩu tại Phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn của Tập đoàn Dệt may Vinatex với tổng vốn đầu tư dự án 100 tỷ đồng.

5. Dự án Xây dựng nhà máy sợi tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh của Tập đoàn Dệt may Vinatex với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

6. Dự án nhà máy may xuất khẩu tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh của Tập đoàn Dệt may Vinatex với tổng vốn đầu tư dự án 100 tỷ đồng.

7. Dự án Khu đô thị mới Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh với tổng vốn đầu tư dự án 650 tỷ đồng.

8. Dự án hệ thống thu hồi nhiệt thải phát điện nhà máy clike Văn Hóa của Công ty TNHH Vật Liệu xây dựng Việt Nam với tổng vốn đầu tư 346 tỷ đồng.

9. Dự án Phát triển hệ thống Logistics KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo của Công ty TNHH Linfox Transport Quảng Bình với tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD.

10. Dự án Xây dựng nhà máy SX gỗ ghép thanh và hàng nội thất cao cấp của Công ty TNHH Sản xuất đồ gỗ Hòa Bình với tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng.

11. Dự án Nhà máy cơ điện Tường Hưng của Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Tường Hưng với tổng vốn đầu tư 97 tỷ đồng.

12. Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện xây dựng số 1 của Công ty TNHH Tập Đoàn Sơn Hải với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.

13. Dự án Xây dựng KCN Hòn La II của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

5 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Quảng Bình và các nhà đầu tư:

1. Dự án đầu tư xây dựng kho ngoại quan tại cảng Hòn La của Công ty cổ phần Lào Petro nước CHDCND Lào với quy mô sức chứa khoảng 300.000m3 đến 500.000m3 với tổng mức đầu tư dự kiến 200 triệu USD.

2. Dự án đầu tư Siêu thị Co.opmart tại thị xã Ba Đồn của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon coopmart) với tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.

3. Các dự án: Phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy sợi; Nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu ở huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch; Nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy sợi Gia Ninh, huyện Quảng Ninh gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu trồng bông trên cát và Nghiên cứu đầu tư Dự án Khu liên hiệp sợi nhuộm ở Khu công nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 4.500 tỷ đồng.

4. Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF cao cấp công suất 120.000 m3/năm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng.

5. Dự án Nhà máy khai thác đá ốp lát xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng và Xi măng HB với tổng mức đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng, trong đó 650 tỷ đồng giai đoạn 1, 200 tỷ đồng mở rộng giai đoạn 2.

Đặng Tài