Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:
Hàng Trung Quốc qua Việt Nam xuất đi Mỹ: "Chúng ta chẳng được lợi lộc gì!"
(Dân trí) - Xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhiều đánh giá rất khác nhau về các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, chia sẻ gần đây với báo giới PGS- TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói: Việt Nam nằm ở rìa cuộc xung đột và không được hưởng lợi.
Thưa ông, sự đáp trả về chính sách thuế nhập khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã được các bên đưa ra. Nhiều chuyên gia đánh giá đây chỉ là "đòn gió" chính sách của Mỹ để Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ (NDT), quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Đây là sự bộc phát của những gì người Mỹ đã muốn làm từ rất lâu nhưng không thực hiện do tính cách các đời tổng thống Mỹ và thể chế đảng cầm quyền. Với ông Trump và đảng cầm quyền hiện tại, quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Chiến tranh thương mại là việc làm bất đắc dĩ trong quan hệ giữ các nước và đây là việc làm chẳng khác nào "lấy đá ghè vào chân mình".
Nhưng Tổng thống Trump và đội tư vấn đã tính toán kỹ, họ thấy thực chất mối quan hệ thương mại Trung Quốc và Mỹ nhiều điểm không cân bằng, thông qua các điều khoản về sở hữu trí tuệ, phát triển công nghiệp…
Đây có thể là hướng đi tới cuối cùng của Mỹ khi đưa ra các chính sách thuế đối với hàng nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng muốn nắm giữ công nghệ lõi để nắm giữ lợi thế của mình.
Còn Trung Quốc, họ cần phải tạo ra công nghệ mới để cạnh tranh, chủ động hơn. Nếu họ làm được thì Trung Quốc sẽ là nước có công nghệ tốt. Song điều này không phải ngày một, hai được. Như Hàn Quốc là nước được coi có công nghệ phát triển nhưng công nghệ lõi vẫn phụ thuộc các nước lớn khác. Trung Quốc vẫn còn kém xa so với Hàn Quốc.
Mỹ hiểu điều này và hiện muốn lấy lại lợi thế công nghiệp của mình về mặt công nghệ, Trước đây các DN của Mỹ có thể thỏa hiệp phần nào khi đổ bộ ồ ạt vào Trung Quốc, khiến giờ đây hàng từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ rất nhiều. Tuy nhiên, điều kiện về lao động giá rẻ của Trung Quốc không còn.
Cuộc chiến này làm tôi nhớ lại căng thẳng của Nhật - Mỹ đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Kết quả nền kinh tế Nhật đi vào giai đoạn khác trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên mối quan hệ Nhật - Mỹ khác với Trung Quốc - Mỹ hiện nay.
Cuộc chiến thương mại này thực sự đi tới mục tiêu cuối cùng như trên hay không còn phụ thuộc cá tính, cam kết của nguyên thủ mỗi nước, các nhóm chính khách, tài phiệt Mỹ có thực sự đồng thuận, cam kết tới đâu…
Nhiều học giả cho hay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra là cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam, ông có tán đồng với quan điểm này?
- Với cuộc chiến này việc mượn mác hàng Trung Quốc thành Việt Nam xuất đi Mỹ có thể có và nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không có lợi lộc gì ngoài 1 chút lời thu về từ dịch vụ và làm gia công cả.
Việc này nếu bị lạm dụng, quy mô lớn thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp điều tra, ảnh hưởng nhất định đến ngành hàng xuất khẩu, cần cảnh báo.
Tôi cho rằng, Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở "rìa cơn bão" vì cơn bão này hướng vào Mỹ. Xu hướng hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn do điều chỉnh tỷ giá.
Tuy nhiên, không phải hàng Trung Quốc nào không xuất được sang Mỹ thì cũng sẽ chuyển hướng sang Việt Nam. Bởi thị trường Việt Nam cũng không hấp thụ được quy mô đó và cũng không có giá trị gia tăng bằng thị trường Mỹ.
Trung Quốc phát triển lên thì xu hướng thương mại thế giới sẽ dịch chuyển và điều này ảnh hưởng tới Việt Nam. Ví dụ Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thì có thể chuyển sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cần kiểm soát để chống động lực đẩy các loại hàng hóa này vào, bởi nếu doanh nghiệp Việt thấy lời thì sẽ lao vào. Nếu chính quyền không vào cuộc ngay sẽ thành sự đã rồi, gây khó khăn cho quản lý.
Như vậy, bài toán đặt ra là xuất khẩu Việt Nam có thể bị thách thức, đặc biệt một số ngành chúng ta có nhập nguyên liệu từ Trung Quốc như may mặc và giày da?
- Cuộc chiến Mỹ Trung ảnh hưởng phức tạp, nhiều dạng, ảnh hưởng lớn là tỷ giá, nghĩa là tương quan giữa các đồng tiền sẽ thay đổi, VND nằm trong tương quan chung này.
Bức tranh này là bức tranh pha trộn, tỷ giá VND yếu đi thì hàng xuất khẩu có lợi, sang Mỹ sẽ dễ dàng hơn. Bản thân hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc hiện cũng rất nhiều, nếu các hàng hóa của Mỹ cũng bị Trung Quốc trả đũa thì có thể hàng Việt Nam thay thế được phần nào, có thể có cửa cho hàng Việt. Tuy nhiên, mặt tiêu cực, hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam giá rẻ thông qua áp lực về lượng thừa, tỷ giá.
Như vậy, có thể lo ngại hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam càng tăng khi cuộc chiến nổ ra, chúng ta có hàng rào kỹ thuật (TBT) và hàng rào bảo vệ động thực vật (SPS) khá yếu, và sẽ phải thực hiện như thế nào?
- Thực tế điều này Việt Nam thời gian tới không có cuộc chiến tranh thương mại cũng phải cố mà làm. Trước đây, hàng Trung Quốc vẫn vào qua đường tiểu ngạch nhưng không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.
Tôi không có hy vọng gì nhiều về những biện pháp ứng phó của Việt Nam vì chúng ta khá chậm và khá yếu. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng TBT và SPS quá mạnh, Trung Quốc có thể trả đũa thì tác động ngược lại sẽ khó lường.
Theo ông Việt Nam nên đối phó thế nào trước những thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cần chuẩn bị rao sao cho các tình huống có thể xảy ra?
- Tôi nghĩ hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập về, chúng ta phải có sự thận trọng. Về lý thuyết thì kiểm soát cửa khẩu, đặt ra các điều kiện như cách đang làm với ô tô nhập khẩu. Nhưng với hàng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu nước này phá giá, chúng ta có thể mua rẻ hơn do tỷ giá NDT giảm; chế biến rồi bán được lợi do tỷ giá USD tăng cao.
Bức tranh này pha trộn, người được lợi, người bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp linh hoạt thì sống khoẻ, còn DN như lĩnh vực nông sản chẳng hạn, chỉ xuất sang TQ chẳng hạn thì sẽ bị ảnh hưởng.
Về mặt chính quyền, có kế hoạch chủ động ứng phó với hàng tiêu dùng từ TQ sang, hàng rẻ chứ không phải hàng đắt tiền. Lượng có thể vẫn vậy nhưng doanh nghiệp Việt xuất hàng sang Mỹ có thể được lợi về giá, khi mua nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn do tỷ giá Nhân dân tệ hạ.
Việt Nam có khả năng có lợi khi tỷ giá giảm, chế biến bán sang Mỹ, không cần tăng giá mà chỉ bán bằng giá như trước cũng được lợi do tỷ giá USD tăng rồi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Ghi)