Hàng quán trên quốc lộ 1A hốt bạc nhờ Tết đến
(Dân trí) - Mấy ngày nay hàng quán trên quốc lộ 1A đoạn đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… khách đi đường ghé ăn, uống nườm nượp. Các chủ quán phờ phạc nhưng khi tính tiền ai nấy đều tươi như hoa, chỉ có “thượng đế” là méo mặt.
Hàng quán đông nhất là đoạn quốc lộ đi qua tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Sóc Trăng, … dọc hai bên tuyến lộ này hàng quán mọc lên san sát, chủ yếu là các quán ăn, uống bình dân. Nhưng khi khách vào ăn thì mới tá hỏa, bởi giá chẳng bình dân chút nào.
Anh Trung - quê ở Sóc Trăng, đang làm công nhân cho công ty giày (KCN Tân Tạo - TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hai vợ chồng lấy nhau được 2 năm rồi, ở quê chẳng có gì làm nên kéo nhau lên Sài Gòn đi làm công nhân cho đến bây giờ. Tiền công của hai vợ chồng cũng vừa đủ chi tiền nhà trọ, tiền sữa cho đứa con nhỏ. Bởi vậy một năm mới giám đèo nhau về quê một lần bằng chiếc xe máy cà tàng này cho đỡ tốn kém”.
Ngoài các quán có sẵn, nhiều người biết dịp Tết lượng người từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây đông nên thuê đất, mở quán “làm ăn”. Đúng như nhận đinh của các chủ quán kinh doanh theo mùa, cả tuần nay hàng quán trên tuyến quốc lộ này quán nào cũng đông khách (nhất là hướng Sài Gòn về Cà Mau - PV). Khách ghé quán đa số là những gia đình trẻ, công nhân làm việc ở TP. Hồ Chí Minh đi xe máy về quê, nhưng gặp cảnh chặt, chém của các hàng quán “không tên” mới mọc lên, ai nấy đều ngán ngẫm.
Nhưng nhiều người đi đường bức xúc nhất là việc uống cà phê nằm võng phải trả tiền võng riêng. Anh Nam – quê ở Cần Thơ bức xúc nói: “Mở quán bán cà phê thì khách vào uống nước chẳng lẽ đứng, mình thấy quán có võng thì nằm. Ai biết ngồi ghế uống nước giá khác, nằm võng giá khác. Bởi vậy để tránh cải lộn với chủ quán thì khi vào quán muốn ăn, uống, nằm gì thì hỏi cho chắc ăn!”
Theo ghi nhận của PV Dân trí, đa số hàng quán dọc hai bên quốc lộ 1 A đoạn đi qua các tỉnh, như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, … ít quán nào để bảng hiệu. Các quán chỉ ghi “Quán cơm Bình dân” rồi kê ra các món: cháo, mì, hủ tiếu, …. Điều làm khách dễ hớ nhất là quán không có “menu” hoặc có thì không ghi bảng giá, chính vì tâm lý “ngại” nên đa số khách vào quán chẳng ai hỏi đến giá cả, khi tính tiền thì mới “đau lòng, xót dạ”.
Chị Nguyễn Kim Hiền – quê ở Hậu Giang bật mí kinh nghiệm khi ghé hàng quán dọc đường ăn: “Trước tiên là nên ghé quán có bảng hiệu, thứ 2 là quán phải có khách ( đông khách thì càng tốt), có menu, bảng giá hẳn hoi. Vì ăn những quán như thế, không lo bị “chém”, nếu có bị “chém” mình cũng nhớ tên quán, lần sau né tránh. Còn việc chọn quán đông khách để phòng tình trạng “cơm thừa, canh cặn”, kể cả chủ quán bỏ thuốc mê vào thức ăn, … lấy hết đồ đạc!”
“Những quán làm ăn kiểu theo mùa đó ít nhiều ảnh hưởng đến các quán kinh doanh đang hoàng trên tuyến quốc lộ này. Để đảm bảo “tiền mất, bụng no và ngon” thì khách nên chọn những quán có bảng hiệu rõ ràng vì những quán này có giấy phép hoạt động, có kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng tháng, giá cả ổn định và nhất là khách hàng sẽ được chăm sóc như “thượng đế”!”. Một nhân viên quản lý quán cơm Tám Ri cho biết.
Chưa biết việc các hàng quán có thương hiệu “chăm sóc” khách hàng như thế nào nhưng do nhiều lần vào ăn từ quán lớn đến quán nhỏ, giá cả đều trên trời nên để thắt hầu bao, nhiều người chọn phương án mang nước, đồ ăn nhẹ bên người, để khỏi lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi ghé hàng quán dọc đường.
Ngô Nguyễn