Hàng loạt “ông lớn” than khóc vì lo bị chặn đường phát triển

(Dân trí) - Mặc dù có mục tiêu là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, nhưng Nghị định 20 lại có một nội dung "nằm ngoài mục tiêu này", gây ra rất nhiều vướng mắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nội, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, chủ chốt của nền kinh tế

Nhiều doanh nghiệp than gặp vướng mắc và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một điều khoản trong Nghị định 20.
Nhiều doanh nghiệp than gặp vướng mắc và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một điều khoản trong Nghị định 20.

“Tai bay vạ gió” vì 1 điều khoản

Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp đã gửi công văn tới Bộ Tài chính phản ánh về những vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Trong Nghị định này lại quy định về việc khống chế lãi tiền vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ áp dụng cho tất cả khoản vay từ bên liên kết hay bên độc lập và ngân hàng.

Nghị định này từng được kỳ vọng là có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối liên kết về sở hữu, quản trị…

Nhưng dù có tinh thần chung là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, Nghị định 20 lại có một nội dung "nằm ngoài mục tiêu này", làm khó các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các đối tượng đang hoạt động theo mô hình tập đoàn hiện đại (holding), bao gồm công ty mẹ - công ty con.

Thậm chí, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đưa quy định này vào trong Nghị định về giao dịch liên kết đã gây ra rất nhiều vướng mắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, trong công văn gửi lên Bộ Tài chính, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, hàng năm, giữa VICEM và các đơn vị thành viên và giữa các đơn vị thành viên của VICEM với nhau có phát sinh các giao dịch như mua bán hàng hoá dịch vụ, cho vay, chuyển giao bí quyết tiêu thụ sản phẩm, thị trường.

“Như vậy, các giao dịch này có được hiểu là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết hay không?”, VICEM đặt câu hỏi.

Cũng có công văn gửi lên Bộ Tài chính, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV và cá đơn vị có quan hệ liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của TKV và các đơn vị phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá trị thị trường, có hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo các quy định hiện hành.

“Do vậy, việc quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ, bao gồm cả các giao dịch liên kết lẫn các giao dịch độc lập như vậy là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết”, TKV kiến nghị.

Tập đoàn này cũng cho rằng, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay có hiệu lực thi hành đối với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết thuộc đối tượng Nghị định, tuy nhiên các doanh nghiệp khác không có quan hệ liên kết sẽ không chịu điều tiết của quy định này.

“Trong khi đó, về bản chất chi phí lãi vay từ huy động vốn của doanh nghiệp không phân biệt có hay không quan hệ liên kết tại các tổ chức tín dụng là như nhau. Như vậy, quy định này tại thời điểm hiện nay chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và các doanh nghiệp có quan hệ liên kết”, công văn của TKV nêu.

Lúng túng trong áp dụng

Ngoài những khó khăn, vướng mắc lớn như nêu trên, TKV còn cho biết, các quy định tại Nghị định 20 có nhiều điểm mới, phương pháp thực hiện và hệ thống biểu mẫu báo cáo khá phức tạp, đặc biệt đối với đơn vị có nhiều công ty thành viên như TKV. Do chưa xử lý được các vướng mắc này, nên hiện TKV và các đơn vị chưa thực hiện được việc kê khai theo Nghị định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới, nhu cầu điện tiếp tục tăng cao do đó nhu cầu đầu tư mới các dự án điện của EVN và các Tổng công ty thành viên rất lớn để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguồn vốn tự có không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư nên EVN và các Tổng công ty vẫn phải tiếp tục huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2025.

“Bản chất các giao dịch liên kết có tính chất “cho vay lại” như nêu trên giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyê tắc giá thị trường. Theo đó, nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như quy định tại Nghị định 20 sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN và các Tổng công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện dự án điện theo Quy hoạch của Chính phủ”, EVN cho biết.

Đáng lưu ý, EVN cho biết, trong trường hợp phải áp dụng nghị định này sẽ phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất lớn tại EVN và các đơn vị thành viên. Cụ thể: EVN GENCO 1 nộp thuế TNDN tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng…

Tương tự, Tổng Công ty Lilama cũng cho hay, nếu áp dụng quy định này thì tình hình tài chính của Lilama sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nhiều công ty sẽ khó có thể vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

"Từ đó dẫn đến, có những công ty dương lợi nhuận kế toán trước thuế nhưng sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ âm lợi nhuận. Có những công ty lợi nhuận kế toán trước thuế âm nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn”, Lilama chỉ ra bất cập.

Như vậy, chỉ với một điều khoản trong một văn bản được đưa ra không hợp lý, hàng loạt doanh nghiệp có thể rơi vào cảnh lao đao. Do đó, cơ quan quản lý, mà ở đây là Bộ Tài chính cần phải xem xét lại khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp – nơi đóng góp hơn 60% GDP cho nền kinh tế phát triển.

Phương Dung

Hàng loạt “ông lớn” than khóc vì lo bị chặn đường phát triển - 2