1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng loạt “đại bàng” mang tên Nhật Bản vừa chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Có 15 doanh nghiệp Nhật Bản vừa chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cũng đang gấp rút xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình - đã cho biết như vậy trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016 - 2021, chiều nay (3/11).

Hàng loạt “đại bàng” mang tên Nhật Bản vừa chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam - 1

Ông Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình

Theo ông Lộc, Việt Nam đang trở thành điểm sáng kinh tế, điểm đến kinh doanh hàng đầu của cộng đồng kinh doanh quốc tế trong hành trình xây dựng các chuỗi kinh tế có trách nhiệm và an toàn.

“Đại sứ Nhật Bản nói với tôi là trong số 30 doanh nghiệp vừa xin trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dòng vốn đầu tư thì có 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng Giám đốc Samsung thông báo rằng tập đoàn này đang gấp rút xây dựng, hoàn chỉnh trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc thông tin.  

Cũng theo ông Lộc, Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức hội nghị lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 2.200 đại biểu từ 50 nước. Tại đây, Việt Nam đã ký được các hợp đồng trị giá 11 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng.

“Thực sự đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam”- ông Lộc cho hay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương trong khi các nước đều rơi vào suy thoái. Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn lịch sử khi lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế vượt Singapore, Malaysia và trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 ASEAN.

Với “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP.HCM - đề cập tới diễn biến phát triển trong tương lai không xa.  

Vị đại biểu ví von rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho chặng bay mới, có người gọi là đổi mới lần 2. Trong 10 năm tới chúng ta sẽ “cất cánh” và đạt được bình ổn, thoát được bẫy thu nhập trung bình. Từ đó, Việt Nam sẽ “bay” nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển. 

Hàng loạt “đại bàng” mang tên Nhật Bản vừa chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam - 2
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP.HCM

“Trong 5 năm tới có ý nghĩa quyết định, nếu cứ loay hoay không cất cánh được, hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ thì 10 năm tới sẽ không đạt được sự bình ổn cần thiết, khi đó khát vọng mãi chỉ là khát vọng mà thôi”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu đoàn TP.HCM kiến nghị phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông Nghĩa dẫn chứng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng ra sao, hay hướng phát triển du lịch khi tương lai sẽ xuất thêm những dịch bệnh khác. Vấn đề nữađặt ra là Việt Nam cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân…

“Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn” - ông Nghĩa nói và cho rằng trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.