Hàng không Việt Nam yếu thế
Giá xăng dầu liên tục tăng, các loại thuế phí dịch vụ hàng không vừa được Bộ Tài chính điều chỉnh đã gây bất lợi về chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước. Trong khi đó, các hãng hàng không nước ngoài liên tục giảm giá vé để cạnh tranh hút khách, tạo sức ép lớn cho hàng không Việt Nam.
Các chiêu hút khách ngoạn mục
Hiện Việt Nam có hai hãng hàng không nhưng chỉ có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là có nhiều tuyến bay nước ngoài. Pacific Airlines (PA) chỉ bay một tuyến đến Đài Loan.
Tuy nhiên trên các đường bay này, Vietnam Airlines và cả PA cũng đang bị cạnh tranh gay gắt. Đơn cử hai tuyến bay đang "đao" giá thê thảm là Việt Nam - Bangkok và Việt Nam - Singapore do sự xuất hiện của 2 hãng hàng không giá rẻ Tiger Airway (TG) và Thai Air Asia (TAA).
Mức giá bình thường trước khi có các hãng hàng không giá rẻ, Việt Nam - Bangkok là hơn 200USD/người khứ hồi, đã giảm xuống thấp nhất vào các đợt khuyến mãi là 130 USD/người khứ hồi. Trong khi đó, giá bình quân mà khách hàng thường mua được của TAA là khoảng 100 USD/người khứ hồi, kể cả phụ thu xăng dầu.
Tương tự, tuyến Việt Nam - Singapore giá vé cũng giảm từ hơn 200USD/người khứ hồi xuống mức thấp nhất là 163USD/người, ngang bằng với mức vé thông thường của TG bán cho hành khách.
Trên các đường bay tới Đức và Pháp của Vietnam Airlines mặc dù có lợi thế bay thẳng, nhưng Vietnam Airlines bị cạnh tranh khốc liệt bởi hai "người khổng lồ" Air France và Lufthansa.
Ngoài việc giảm giá vé tới 30% so với mức giá chung, hai hãng này còn có các sản phẩm khuyến mãi hút khách đi tuyến Hà Nội và TPHCM - Bangkok. Lufthansa vừa tung ra mức vé khuyến mãi Việt Nam - Frankfurt chỉ với 666USD và từ Việt Nam - Bangkok với 99USD.
Đặc biệt từ 5/6 ,Air France phối hợp với Hãng Tran'sviet mở tour du lịch Hà Nội - Bangkok - TPHCM và ngược lại TPHCM - Bangkok - Hà Nội với giá vé khoảng trên - dưới 250USD trong 5 ngày 4 đêm, kết hợp cho du khách vừa đi xuyên Việt vừa đi Thái Lan.
Đây chính là một cách hút khách đường bay nội địa Hà Nội - TPHCM của các hãng hàng không Việt Nam một cách gián tiếp.
Chưa kể các hãng hàng không bay cùng với Vietnam Airlines trên các tuyến quốc tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Australia... đều có nhiều chiêu hút khách rất đắc dụng như giảm giá, can thiệp với nhà chức trách của quốc gia đó tạo điều kiện cho các đoàn khách lao động xuất khẩu có thủ tục nhanh chóng để các đoàn Việt Nam đáp lại bằng cách mua vé hãng hàng không của họ.
Kêu trời vì bị đội chi phí
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các hãng hàng không Việt Nam tỏ ra yếu thế. Giá xăng dầu lên cao, đội chi phí của Vietnam Airlines trong năm 2005 lên khoảng 450 tỉ đồng, PA lên khoảng 90 tỉ đồng.
Chưa kể mới đây, Bộ Tài chính điều chỉnh giá một số loại phí và dịch vụ khiến chi phí của Vietnam Airlines sẽ đội lên thêm khoảng 100 tỉ đồng nữa và PA cũng tương đương, trong khi giá xăng dầu năm 2006 còn tăng khủng khiếp hơn.
Thêm nữa, cuộc cạnh tranh giảm giá của hai hãng Vietnam Airlines và PA trên đường bay Hà Nội - TPHCM và Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM, theo tính toán của các chuyên gia cũng làm giảm doanh thu của Vietnam Airlines khoảng 7 triệu USD và PA khoảng 4 triệu USD. Điều đáng nói là sự giảm giá này có duy trì được lâu dài, hay chỉ làm các hãng cùng khánh kiệt và người thua thiệt nhiều nhất cuối cùng vẫn là Nhà nước.
Một điều rất đáng lưu tâm nữa là giá vé khuyến mãi của Vietnam Airlines trên các tuyến Việt Nam - Bangkok và Việt Nam - Singapore với các điều kiện còn thông thoáng và dễ chịu hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn các hãng hàng không giá rẻ nhưng nhiều khách hàng lại cứ tìm mua vé hàng không giá rẻ. Đây có thể xem như một thành công trong khâu tiếp thị của loại hình này khiến Vietnam Airlines phải nhìn lại mình.
Việc các hãng hàng không Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh là đương nhiên trong bối cảnh Việt Nam phải mở cửa bầu trời. Vì thế, các hãng hàng không Việt Nam cần phải có một sự cải tổ và đổi mới nhanh mới có thể tồn tại và vượt qua cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo Bích Liên
Báo Lao động