Hạn mức tín dụng có được chuyển nhượng?

Câu chuyện hạn mức tín dụng sẽ không dừng lại ở chỗ mỗi ngân hàng có bao nhiêu, mà nếu không sử dụng hết hạn mức, ngân hàng sẽ bỏ. Hạn mức tín dụng này có thể chuyển nhượng được?

Hạn mức tín dụng có được chuyển nhượng? - 1
Theo Sacombank, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao khớp với kế hoạch năm 2012 của ngân hàng này (ảnh minh hoạ).
 
Không như năm ngoái là cào bằng, năm nay các ngân hàng tuỳ theo đánh giá thứ hạng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận được hạn mức tín dụng khác nhau. Nếu có ngân hàng thực hiện không hết sẽ bỏ phần thừa còn lại, hay được phép chuyển nhượng “quota” này cho ngân hàng bạn? Sẽ có cảnh “người ăn không hết kẻ lần không ra”?

 

Các ngân hàng Eximbank, MB, Sacombank, SeaBank… công bố mức trưởng tín dụng của mình được đạt tối đa 17% trong năm nay. Một số ngân hàng khác như DongABank cho biết mức tăng ở 15%, những ngân hàng ở nhóm 3 chỉ được tăng tín dụng tối đa 8% và nhóm 4 thì không được tăng trưởng.

 

Cho đến nay, vẫn chưa thấy ngân hàng nào lên tiếng cho biết mình không được tăng trưởng tín dụng. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào việc cho vay để kiếm lãi là chính, giờ không được tăng trưởng tín dụng là một áp lực rất lớn cho những ngân hàng bị xếp vào nhóm 4, hay những ngân hàng bị giới hạn tín dụng ở mức 8%.

 

Mỗi ngân hàng đều có căn cứ riêng để định hướng dư nợ huy động và tín dụng trong năm tới. Dù vậy, theo Sacombank, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao khớp với kế hoạch năm 2012 của ngân hàng này.

 

Nhưng ở ngân hàng Quân đội (MB), năm 2011 dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 24%. Là một ngân hàng đang cố gắng mở rộng và phát triển thị phần, năm nay với hạn mức tín dụng 17%, MB có thể khá vất vả để xoay xở.

 

Còn KienLongBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 710 tỉ đồng, tăng tới 36% so với năm 2011, thì với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ 15%, áp lực với KienLongBank là lớn.

 

Như vậy, câu chuyện hạn mức tín dụng sẽ không dừng lại ở chỗ mỗi ngân hàng có bao nhiêu, mà nếu không sử dụng hết hạn mức, ngân hàng sẽ bỏ. Hạn mức tín dụng này có thể chuyển nhượng được?

 

Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho rằng, các ngân hàng được phân bổ tín dụng theo những mức khác nhau, nhưng có thể NHNN không quản lý cứng nhắc. Nghĩa là sẽ có những ngân hàng không sử dụng hết hạn mức, và có những ngân hàng không được phép tăng trưởng tín dụng, thì các ngân hàng có thể thoả thuận với nhau, miễn sao không để ảnh hưởng đến hạn mức chung trong toàn ngành, vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tổng thể tín dụng quốc gia.

 

Cầu sẽ tìm đến cung và ngược lại. Về mặt nghiệp vụ, theo một chuyên gia, việc chuyển dư nợ không có gì lạ trong ngành ngân hàng. Thí dụ, ngân hàng A muốn tăng dư nợ có thể mua lấy hồ sơ nợ ở ngân hàng B, dư nợ sẽ được chuyển đổi.

 

TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh, đại học ngân hàng TP.HCM nêu vấn đề, liệu việc chia sẻ “quota” này có làm ảnh hưởng đến mục tiêu lớn của NHNN là theo dõi, đánh giá hoạt động của từng ngân hàng, giải quyết tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, gây căng thẳng thanh khoản như năm qua? Những ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng là nhằm mục đích tập trung tái cơ cấu ngân hàng, nay được chia sẻ hạn mức, có thể làm chệch định hướng của NHNN.

 

Theo Hồng Sương
SGTT