1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hạn chế rủi ro tín dụng, ngân hàng tìm “điểm tựa”

(Dân trí) - Hàng trăm bộ hồ sơ đăng ký vay vốn hỗ trợ 4% lãi suất đã được đặt trên bàn xét duyệt của các ngân hàng. Để hạn chế rủi ro tín dụng, 2 ngân hàng đầu tiên đã bắt tay với Ngân hàng Phát triển Việt Nam cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.

Không nới lỏng điều kiện tín dụng
 
Các ngân hàng đã có khoảng 10 ngày triển khai chương trình hỗ trợ 4% lãi suất cho vay của Chính phủ với nhiều hồ sơ, hợp đồng vay vốn do doanh nghiệp đăng ký.
 
Hạn chế rủi ro tín dụng, ngân hàng tìm “điểm tựa” - 1
 
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết: Hiện ABBank đã nhận được hơn 300 đơn đăng ký từ phía khách hàng và đang trong quá trình xét duyệt khách hàng nào đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. ABBank sẽ dành hạn mức từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng cho gói “Kích cầu Kỷ Sửu”.
 
Theo Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh chi nhánh Hà Nội của ABBank Dương Minh Hải: Chi nhánh hiện đã xử lý hỗ trợ lãi suất cho vay đối với 87 khách hàng thường xuyên, khách hàng phát sinh mới hầu như là chưa có.
 
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) sau một tuần triển khai Thông tư 02 đã tiếp nhận, xử lý 162 hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của khách hàng và giải ngân được 245 khoản vay với tổng số tiền hơn 353 tỷ đồng.
 
Đồng hành cùng các ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay theo chương trình của Chính phủ, mấy ngày gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng: Hàng Hải (Maritime Bank), Kỹ thương (Techcombank), Quốc tế (VIBank) và Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank).
 
Thống đốc nhấn mạnh các ngân hàng không được nới lỏng các điều kiện tín dụng, không được lợi dụng chính sách của Chính phủ để cạnh tranh không lành mạnh và phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhằm ngăn ngừa tối đa những rủi ro.
 
Cái “bắt tay” đầu tiên
 
Cũng với mục đích giảm thiểu rủi ro tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, trong 2 ngày 12 - 13/2, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã ký kết thoả thuận hợp tác bảo lãnh tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
 
Với sự hợp tác này, đối tượng được VDB bảo lãnh là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động, có dự án/phương án kinh doanh quy mô tối thiểu 100 triệu đồng.
 
Dự án/phương án kinh doanh trên phải đảm bảo không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế khác, không nợ đọng thuế, có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 10% và sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp bảo đảm bảo lãnh.
 
Ông Nguyễn Chí Trang, Phó Tổng Giám đốc VDB cho hay: Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trước đến nay không kinh doanh được vì thiếu vốn, phạm vi được bảo lãnh cũng đã nâng lên từ vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sử dụng tối đa 300 lao động lên thành vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Chính phủ dành cho quỹ bảo lãnh tín dụng 200 tỷ đồng, nếu các khoản vay vượt con số này, VDB sẽ huy động từ vốn điều lệ và huy động hợp pháp cho nhiệm vụ bảo lãnh.
 
Ông Trang cũng thừa nhận rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tín dụng là có, nhưng với những ký kết, trước hết vẫn là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, phát triển kinh tế. “Thứ hai tới, VDB sẽ cùng với các ngân hàng thương mại trong cả nước đồng loạt “ra quân” tới các địa phương, cùng với UBND tỉnh, hiệp hội triển khai Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Chang nói.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc OceanBank, ngân hàng này sẽ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được VDB bảo lãnh. “Chương trình vay vốn thông qua VDB là một điểm tựa, một cơ hội cho các doanh nghiệp có các dự án, phương án kinh doanh khả thi nhưng chưa đủ điều kiện về bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành”.
 
Tuy nhiên, thông qua VDB bảo lãnh vay vốn, các doanh nghiệp sẽ phải mất thêm 0,5% phí vay vốn. Trả lời câu hỏi “điều này gây sức ép gì cho ngân hàng và lãi suất thực tế doanh nghiệp phải chịu như thế nào?”, ông Sơn nói: “Việc được bảo lãnh theo quy định Chính phủ và thông lệ ngân hàng bao giờ cũng phải có một khoản phí".
 
Nguyễn Hiền