1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hai năm mở nhà hàng bán cho Tây: Lỗ thảm 2 tỷ đồng, đóng cửa đi làm thuê

Cứ nghĩ chuyện kinh doanh mở nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài ở đất Sài Gòn là khá dễ dàng, thế nhưng cô nàng 28 tuổi này thất bại thảm hại.

Vốn theo học Đại học Quản trị kinh doanh, Trần Thị Thúy (28 tuổi) ở Hà Nội rất đam mê kinh doanh. Sẵn vốn ngoại ngữ tiếng Nhật và tiếng Hàn tốt, ngay từ năm thứ nhất đại học, cô đã đi làm thêm cho nhiều công ty Hàn và Nhật Bản. 

Sau khi ra trường, cô quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, Thúy làm phiên dịch rồi làm trợ lý giám đốc cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam.

"Năm ấy 24 tuổi nhưng mức lương của mình đã được gần 30 triệu đồng. Bố mẹ mua cho mình một căn chung cư nhỏ. Vì thế, cuộc sống của mình ở Sài Gòn rất ổn định. Tiền đi làm được chỉ chi tiêu ăn uống và để dành ra. Một tháng mình chỉ tiêu hết khoảng 7 triệu đồng, còn 23 triệu đồng mình để dành để đầu tư. Sau hai năm đi làm, mình đã có số vốn khoảng 600 triệu đồng bao gồm tiền lương và thưởng năm", Thúy chia sẻ.

Hai năm mở nhà hàng bán cho Tây: Lỗ thảm 2 tỷ đồng, đóng cửa đi làm thuê - 1

Thúy quyết định mở nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài (ảnh minh họa).

Vì máu kinh doanh nên cô trợ lý này quyết định bỏ công việc ổn định hiện tại để mở nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài, nhất là khách Hàn Quốc và Nhật Bản sang Việt Nam du lịch, làm việc. Khi chia sẻ ý định này, Thúy nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Họ còn quyết định cho cô thêm 400 triệu đồng để hỗ trợ vốn cho con gái trong giai đoạn đầu.

"Có số tiền 1 tỷ đồng trong tay để lập nghiệp, ban đầu mình tự tin lắm. Mình còn nghĩ tất cả sẽ thuận lợi thôi, tiền sẽ đẻ ra tiền vì mình cũng có kinh nghiệm trong việc tiếp đón khách nước ngoài. Bởi thế, mình rất hào hứng với kế hoạch này", Thúy kể.

Với tâm thế như vậy nên cô bắt đầu lên kế hoạch mở nhà hàng cho khách nước ngoài. Do xác định đối tượng phục vụ là khách có điều kiện nên Thúy chọn địa điểm cũng rất sang chảnh.

"Mình thuê địa điểm ở một tòa nhà ba tầng, trong khu đô thị ở quận 7 với giá 57 triệu đồng/tháng. Chủ nhà yêu cầu ký hợp đồng hai năm, 6 tháng trả tiền một lần. Tính ra, riêng tiền thuê nhà một năm đã 684 triệu đồng. Cứ 6 tháng, mình phải trả 342 triệu đồng".

Ngoài số tiền thuê nhà, cô còn để ra 150 triệu đồng để mua sắm nội thất và thiết bị mở nhà hàng. Thúy còn phải thuê thêm 7 nhân viên phục vụ, 1 nhân viên lễ tân, 1 nhân viên pha chế, đầu bếp. Riêng tiền lương nhân viên mỗi tháng cũng mất khoảng 80 triệu đồng. Tổng số tiền ban đầu người phụ nữ này phải bỏ ra là 910 triệu đồng.

"Sau một tháng chuẩn bị, nhà hàng chính thức đi vào hoạt động. Theo nhẩm tính, ban đầu, mỗi ngày mình chỉ cần khoảng 100 khách nước ngoài ghé qua. Bởi ngoài khách quốc tế, mình còn có khách đi theo tour nhờ các mối quan hệ từ trước. Khi bán món ăn cho khách này, số tiền thu được dao động từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng nên sẽ nhanh chóng hòa vốn. Song người tính không bằng trời tính", cô tâm sự.

Hai năm mở nhà hàng bán cho Tây: Lỗ thảm 2 tỷ đồng, đóng cửa đi làm thuê - 2

Tuy nhiên, cô đã phải đóng cửa, chấp nhận lỗ 2 tỷ do chọn sai địa điểm đặt nhà hàng (ảnh minh họa).

Ngay khi mới mở nhà hàng, Thúy nhận ra mọi thứ không như mong đợi. Do là quán mới, nên số lượng khách đến quán mỗi ngày chỉ lác đác. Doanh thu tháng đầu tiên chỉ được 120 triệu đồng, tính ra, chưa đủ bù chi phí phát sinh.

"Tiền thuê nhà một tháng hết 57 triệu đồng. Lương nhân viên hết 80 triệu đồng. Tiền điện nước hết khoảng 9-10 triệu đồng. Tổng một tháng mình phải chi trả cố định 147 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền công quản lý nhà hàng, mình đang làm không công", Thúy thở dài.

Sau tháng đầu tiên kinh doanh lẹt đẹt, Thúy vẫn lạc quan nghĩ các tháng sau sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn. 6 tháng đầu năm, dù kiên trì kinh doanh nhưng thu không bù nổi chi phí nên cô buộc phải chuyển hướng sang bán cơm văn phòng.

Chuyển sang làm đồ ăn sáng và đồ ăn trưa cho dân văn phòng quanh đó, Thúy còn tận dụng diện tích các phòng làm dịch vụ mở tiệc cho công ty nhỏ và nhóm bạn bè sinh nhật. Thế nhưng, kết quả vẫn không khá hơn dù quán rất sạch sẽ, giá bình dân chỉ 35.000 - 40.000 đồng/suất, đồ ăn nóng hợp khẩu vị miền Nam.

Dù tình hình kinh doanh phập phù, Thúy vẫn cố gắng vận hành bình thường. Mỗi tháng, cô còng lưng trả số tiền cố định gần 150 triệu đồng cho tất cả chi phí. Trong khi đó, doanh thu lại không nhiều, có tháng chỉ khoảng 80 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, cô phải gánh lỗ khoảng 70 triệu đồng.

Cứ thế trong suốt 2 năm kinh doanh, Thúy lỗ gần 1,7 tỷ đồng. Số tiền này chưa bao gồm tiền sửa nhà, mua sắm nội thất 150 triệu đồng ban đầu. Tiền lương quản lý của Thúy cũng chưa tính. Ước tính, số lỗ nhìn thấy sau 2 năm kinh doanh là hơn 2 tỷ đồng.

"Hết hợp đồng thuê nhà, mình quyết định đóng cửa luôn bởi tháng nào cũng phải gánh khoản lỗ gần trăm triệu, không chịu nổi", Thúy thừa nhận.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến việc kinh doanh nhà hàng thất bại, Thúy cho rằng: "Việc chọn địa điểm là sai lầm. Địa điểm đẹp nhưng nằm tại một khu đô thị ở quận 7, khá xa các quận trung tâm. Bởi thế, tâm lý khách nước ngoài khi đến Sài Gòn không muốn đi một quãng đường xa như vậy để ăn. Thực tế, họ nhắm mắt cũng tìm được nhà hàng ngon ngay ở trung tâm. Đây là bài học đắt giá của mình".

Sau hai năm khởi nghiệp không thành công, Thúy làm công cho một công ty của Hàn. Cô vẫn nung nấu ý định khi có vốn sẽ lại khởi nghiệp lại.