1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hà Nội: Vẫn loay hoay bài toán thịt “sạch”

(Dân trí) - Đã ba năm nay thành phố Hà Nội lúng túng với việc giải bài toán xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo dây chuyền khép kín mà vẫn chưa có được một kết quả cụ thể…một lần nữa vấn đề này được đặt ra khi dịch cúm đã tái phát trở lại ở nước ta.

Cuộc họp của Lãnh đạo thành phố với các Sở ban ngành, các doanh nghiệp, sáng 20/12, với tinh thần của lãnh đạo thành phố là làm sao để miếng ăn của người dân bớt “bệnh tật”, phố phường bớt nhếch nhác…

Hiện đại là dễ… lỗ!

Theo ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở Phúc Thịnh được nhiều người biết đến cũng chỉ có trình độ bán thủ công. Sản phẩm của cơ sở này được rất đông khách hàng lựa chọn trong dịch cúm, nhưng khi dịch đã hết, cơ sở phải ngừng hoạt động. Lí do bị… thua lỗ. Người dân vẫn có tâm lí mua gà ở các ngõ ngách, thích ăn gà ri.

Các cơ sở giết mổ gia súc tập trung cũng ở trong tình cảnh cạnh tranh không lành mạnh: các cơ sở giết mổ lẻ tẻ bên ngoài mổ 100 con có khi chỉ đóng thuế 30 con, trong khi các cơ sở giết mổ tập trung lại phải chịu nhiều khoản thuế và không thể “bớt” được.

Việc lỗ của dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại được ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội phân tích kĩ hơn. Với tình hình như hiện tại, phần “lệch” giá mà doanh nghiệp phải chịu khi giết mổ một con lợn bằng kĩ thuật cao lên tới 50.000 đồng.

Nếu dây chuyền mỗi ngày giết mổ 1000 con thì mỗi năm mất 18 tỉ. Đầu tư 100 tỉ cộng với mỗi năm mất 18 tỉ như vậy, các doanh nghiệp lấy đâu để bù vào… Ông Thắng cho biết thêm, hiện Tổng công ty có 20 điểm bán hàng, nhưng không lấy đâu ra thịt sạch.

Còn theo ông Nguyễn Đình Đảng, Tổng Giám đốc Tổng công ty giống và gia súc thì suất đầu tư cho một cơ sở giết mổ gia súc nhỏ nhất khép kín là từ 20- 40 tỉ, nếu qui mô 1000 con/ngày lên đến 80 tỉ. Từ khi đầu tư vào cho đến khi khai thác hết công suất và có lãi phải mất 3-5 năm nên các doanh nghiệp dễ… chần chừ. Ông Đảng đề nghị có sự hỗ trợ lãi suất tiền vay 5-7 năm thay vì 2 năm như hiện nay (chỉ đủ thời gian xây dựng xong).

Không nên đầu tư quá… “xịn”

Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại cho rằng, từ nay đến 2010 phải có 2 điểm giết mổ hiện đại. Thiết bị đầu tư phải hiện đại ngay bởi đầu tư bán thủ công sẽ không cạnh tranh được với các nhà đầu tư bên ngoài. Cũng theo ông Hoàng, việc hỗ trợ doanh nghiệp phải gắn với cam kết WTO nên chỉ có thể là ưu đãi về lãi suất vay, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Các cơ sở giết mổ tập trung theo dây chuyền phải quan tâm tới các chợ là một hướng đi được ông Hoàng đề cập. Theo ông các chợ mới là cái lớn, còn siêu thị chỉ là cái nhỏ vì siêu thị chỉ tiêu thụ cùng lắm là 10-20 tấn trên tổng số 180 tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình nhấn mạnh rằng, phải làm sao để miếng ăn của người dân thành phố bớt “bệnh tật”, diện mạo phố phường bớt nhếch nhác. Theo ông, vẫn nên đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ ở 4 hướng thay vì hai hướng (Tây và Bắc) như đại diện sở Qui hoạch kiến trúc đề nghị trước đó.

“Có như vậy mới tránh được tình trạng gia súc vào lối này rồi được vận chuyển sang hướng kia để giết mổ và cuối cùng phải quay lại để tiêu thụ” - theo ông Bình các doanh nghiệp cần vắt óc cân nhắc về công nghệ, đầu tư vào công nghệ hiện đại nhưng không cần thiết phải quá “xịn”.

Ông Bình hứa sẽ đề cập với lãnh đạo Thành phố về việc chuyển một phần ngân sách sang quĩ phát triển cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư và hưởng ưu đãi vay trong khoảng 5 năm như đại diện sở Kế hoạch đầu tư đã đề xuất.

Tân Phương