Hà Nội “cháy” phòng khách sạn trầm trọng

“Sốt” khách sạn, “cháy” phòng lưu trú là tình trạng đã kéo dài suốt 3 tháng qua tại thủ đô Hà Nội. Sự kiện trên đang đặt hoạt động kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí ở Hà Nội lên chảo lửa...

“Cháy” phòng khách sạn

Chị H.T.T., công tác ở một công ty truyền thông ở TPHCM, vừa mới bay ra Hà Nội, than thở: “Đi tìm khắp khu trung tâm Hà Nội, không ở đâu còn phòng để trọ. Ra ngoại thành thì lại không có khách sạn đúng nghĩa. Cuối cùng đành phải quay về ngủ nhờ nhà một người bạn, mặc dù biết là bất tiện”.

Anh S.D.Q.H., làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ mạng di động, cũng than phiền: “Chúng tôi vừa có một đối tác từ Philippines sang Việt Nam. Cả buổi chiều, tôi chạy khắp Hà Nội để thuê giúp họ khách sạn, nhưng kỳ lạ thay, ở đâu cũng bảo là đã kín hết chỗ”.

Anh Tr.Q.L., hướng dẫn viên của Hãng du lịch Đông Dương, cho biết tình trạng “sốt”, “cháy” khách sạn đã xảy ra 3-4 tháng qua. Nhiều hãng lữ hành đang phải từ chối một số tour khách du lịch đến từ nước ngoài vì không lo nổi chỗ ở cho họ. Tuy nhiên, đối với khách du lịch lẻ, khách vãng lai ở trong nước, do không có thói quen đặt trước phòng thì thường bị “choáng” khi gặp cảnh “cháy”, “sốt” khách sạn.

Khảo sát thực tế để tìm hiểu tình trạng trên, chúng tôi tìm vào 2 khách sạn Hà Nội Place ở 61 Lương Ngọc Quyến và Youth Hotel ở 33 Lương Văn Can (Hoàn Kiếm). Cả hai nơi, nhân viên lễ tân đều đành phải lắc đầu trả lời là “đã kín hết các phòng”.

Quay về mấy khách sạn ở Hàng Trống, Hàng Hành, Hàng Gai rồi xuống tận Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Lò Đúc… ở đâu chủ khách sạn cũng từ chối, bảo “thời gian này, nếu muốn có phòng thì phải đặt trước ít nhất 2-3 ngày”.

Mặc dù hơi nản, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đi lên tận khu Tây Hồ, hy vọng ở đây còn nhiều khách sạn chưa lấp kín chỗ. Nhưng, tại khách sạn Tây Hồ của Công ty TNHH một thành viên khách sạn Tây Hồ, cô lễ tân ái ngại bảo: “Riêng đêm nay thì không còn một phòng nào nữa. Còn đêm mai thì hiện chị lễ tân khác giữ sổ, nhưng theo em biết thì cũng không còn phòng nữa”.

Cô còn cho biết: “Năm nay, loại phòng khách sạn mức trung, giá 250.000-400.000 đồng/phòng, bị “cháy” suốt từ đầu mùa thu. Nếu bây giờ khách muốn thuê được phòng để trọ thì phải chấp nhận hoặc là thuê những loại phòng cao cấp, giá đắt hoặc là… ở tạm trong các nhà nghỉ rẻ tiền, giá chỉ 100.000-150.000 đồng/phòng”.

Chúng tôi lại tìm về 2 khách sạn lớn của Hà Nội là khách sạn Kim Liên (số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa) và khách sạn Fortuna (Láng Hạ) để hy vọng thuê được một phòng thuộc loại cao cấp. Nhưng bộ phận kinh doanh của khách sạn Kim Liên lại bảo: “Trong 3 ngày tới ở đây không còn phòng trống, vì có một hội nghị đang tổ chức. Sau đó, lại có một hội nghị nữa”.

Còn bộ phận lễ tân của khách sạn Fortuna thì bảo: “Hiện chúng tôi chỉ còn loại phòng VIP, giá 180 USD/phòng, nhưng khách phải trả thêm 10% thuế GTGT và 5% phí phục vụ. Còn loại phòng mức trung bình thì 115 USD/phòng, nhưng đã hết nhẵn và lịch đặt phòng còn kéo dài đến cuối tháng”.

Tại sao?

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện ở Hà Nội mới chỉ có 511 cơ sở lưu trú với hơn 12.700 phòng đang hoạt động. Song trong số đó cũng chỉ có 178 khách sạn “có sao” với 8.424 phòng.

Công ty Tư vấn và quản lý bất động sản Việt Nam cho biết, hiện hiệu suất thuê phòng tại các khách sạn 3-5 sao ở Hà Nội dao động từ 80%-90%, với mức giá cho thuê khá đắt (126,26 USD/ngày/phòng khách sạn 5 sao).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt”, “cháy” phòng như hiện nay là do đang vào mùa khách du lịch nước ngoài đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia du lịch, còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác.

Thứ nhất, tình trạng khan sốt khách sạn đã chứng minh cho tầm nhìn ngắn, quy hoạch kém về mạng lưới khách sạn, đặc biệt là khả năng dự đoán về sự bùng nổ khách du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam trước đây. Thực tế, nhu cầu xây dựng khách sạn của nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian qua là rất lớn, nhưng hoạt động cấp giấy phép đầu tư lại rất khó khăn, rườm rà.

Trong khi đó, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng khách sạn đã được cấp phép lại đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thi công chậm trễ, khiến số lượng phòng khách sạn không tăng lên được bao nhiêu, còn số lượng khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tăng lên từng ngày.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân nhiều khách sạn lớn như Melia, Daewoo, Horison… đã sử dụng phòng để cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê làm văn phòng cao cấp.

Những năm trước, do khách du lịch ít, công suất sử dụng phòng thấp, các khách sạn lớn, tiêu chuẩn 4-5 sao buộc phải cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào thuê dài hạn để đảm bảo đủ công suất hoạt động của phòng khách sạn. Đến khi khách du lịch tăng đột biến thì không dễ dàng “đuổi” nhà đầu tư để lấy lại phòng phục vụ du khách.

Hậu quả là nhiều hãng kinh doanh dịch vụ lữ hành buộc phải từ chối nhận thêm hoặc phải hủy bỏ các tour đã nhận. Khách du lịch lẻ, vãng lai thì đang phải mướt mồ hôi, chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà chưa chắc tìm được một khách sạn còn phòng trống.

Theo Văn Phúc Hậu
Báo SGGP