GS. Võ Đại Lược: "Cứu" doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là... tiền!
(Dân trí) - Theo GS. Võ Đại Lược, cứu doanh nghiệp không đơn thuần là tiền mà phải chính sách, thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, đừng đổ tiền vào doanh nghiệp Nhà nước nữa.
Trao đổi với PV Dân trí, GS, TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - đã có những nhận định sâu sắc về sự phục hồi kinh tế, khuyến nghị về các giải pháp đưa doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái mới, tác động các gói hỗ trợ hiện nay...
Đừng đổ tiền vào doanh nghiệp nhà nước nữa!
- Phóng viên: Dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết nhưng hỗ trợ như thế nào đang được quan tâm rất lớn. Có chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp như tập đoàn nhà nước thì đừng than vãn và đi xin tiền nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- GS. Võ Đại Lược: Không thể phủ nhận, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề và nhóm đối tượng.
Tuy nhiên nguồn lực của nhà nước đều có hạn. Không thể đủ nguồn lực can thiệp đại trà mà phải xác lập ưu tiên để can thiệp có chọn lọc.
Quy luật thị trường là “khỏe sống, yếu chết”, chúng ta phải chấp nhận sẽ có những doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, có “cứu" cũng không được.
Chưa kể một số các doanh nghiệp lớn vốn có tiềm lực tài chính thì nên để họ tự lực. Việc hỗ trợ cũng nên hướng tới một số ngành mũi nhọn của Việt Nam và dễ bị tổn thương như du lịch, nông nghiệp…
Biện pháp hỗ trợ cũng cần phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như các nguyên tắc vận hành của thị trường. Không can thiệp sâu hay quá đà.
Trong các ngành được ưu tiên hỗ trợ, cũng phải đưa ra các tiêu chí phù hợp để hướng đến các đối tượng doanh nghiệp thực sự cần hỗ trợ. Các doanh nghiệp kinh tế tư nhân vẫn là nguồn lực quan trọng. Hỗ trợ phải nhằm vào nguồn lực này.
Chính họ sẽ góp phần tốt nhất để tạo sức bật cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch. Đừng đổ tiền vào doanh nghiệp nhà nước nữa.
- Ông đánh giá như thế nào về những gói hỗ trợ hiện nay đối với doanh nghiệp? Ông có nghĩ rằng tiền sẽ “cứu" được doanh nghiệp trong bối cảnh này?
- Cứu doanh nghiệp không phải chỉ đơn thuần là tiền, phải cứu bằng chính sách, cứu bằng thể chế. Chúng ta xác định doanh nghiệp tư nhân là chủ lực nền kinh tế. Việc cần làm là tạo cho họ thể chế, môi trường tốt để họ phát triển, họ mạnh lên.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự xây dựng cho mình văn hoá tự lực. Cùng với những hỗ trợ của nhà nước về chính sách, chính doanh nghiệp mới có thể cứu được chính mình.
Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng rất có thể sắp tới còn có những khó khăn, những tác động bất ngờ khác nữa. Sự trưởng thành, bản lĩnh mới là liều “vắc-xin" hữu hiệu với doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững.
Có một việc nhắc mãi nhưng không thừa. Trong lúc này, từ người dân, doanh nghiệp đến nhà nước đều phải tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng. Bình thường đã phải như thế, những lúc khó khăn như này càng nên phát huy. Đặc biệt là ngân sách, hơn lúc nào hết phải được sử dụng hợp lý nhất có thể.
Chính phủ vừa qua đã tung ra các gói hỗ trợ về tín dụng, thuế, tích cực giải ngân đầu tư công… Đây là những chính sách đúng đắn, cần thiết, điều quan trọng bây giờ là triển khai một cách tích cực.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nếu chỉ áp dụng những biện pháp ấy thì có thể chưa ổn. Thứ nhất, đại dịch này làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, mà nền kinh tế của chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Trong khi đó, cầu thế giới ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nó trông chờ vào kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và sự hồi phục kinh tế của họ.
Trong khi cầu bên ngoài gặp khó khăn, dù không thể bù đắp được hết thì việc tận dụng tốt nhất cầu trong nước là hướng đi quan trọng. Thị trường nội địa với gần 100 triệu dần không phải là nhỏ bé.
Mặc dù cũng đã bị suy giảm đáng kể do đại dịch Covid-29 song tận dụng tốt thị trường nội địa vẫn là cách chúng ta gỡ khó cho đầu ra của doanh nghiệp.
Cùng với đó, cũng nên có các gói hỗ trợ y tế, cùng với cả thế giới nỗ lực thúc đẩy việc tìm ra vacxin, thuốc đặc trị. Đội ngũ y tế của chúng ta rất giỏi, rất có năng lực. Kết quả chống dịch vừa qua của chúng ta đã chứng minh cho điều này. Việc kiểm soát dịch bệnh là cực kỳ quan trọng để đưa phục hồi kinh tế.
Kinh tế Việt Nam bao giờ có thể hồi phục?
- Như ông vừa nói, "cứu" doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tiền, ngoài những vấn đề chính sách, thể chế thì còn những giải pháp nào khác để vực dậy nền kinh tế chúng ta trong trạng thái mới hiện nay, thưa ông?
- Trong tình hình khó khăn hiện nay thì phải tính đến việc làm nhanh, làm mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế trong điều kiện mới. Nền kinh tế hiện nay đứng trước dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ vô cùng nhiều khó khăn.
Chính phủ nên làm mạnh hơn nữa là tái cơ cấu DNNN. Tất cả những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ thì bán hết. Tiền đó làm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế.
Thế giới thực thi chính sách tiền tệ rất mạnh, các biện pháp hạ lãi suất được tính đến. Lãi suất của Việt Nam dù đã hạ nhưng vẫn cao ngất ngưởng. Vấn đề này tuy khó nhưng lại cực kỳ quan trọng để thúc đẩy kinh tế.
Thêm nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, cần tận dụng tốt việc này. Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Và giờ, Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó.
Chúng ta cần có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý trong bối cảnh mới. Đón làn sóng này sẽ tạo cơ hội tốt cho chúng ta trong việc thúc đẩy nền kinh tế hậu Covid-19, tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh không nên áp dụng chính sách thu hút bằng mọi giá.
Tuyệt đối không ưu đãi bằng mọi thứ để mời gọi. Thu hút có chọn lọc, chỉ áp dụng ưu đãi với những tiêu chí rõ ràng như doanh nghiệp công nghệ cao, có cam kết chuyển giao công nghệ.
- Cứ như tình hình hiện nay, ông nghĩ thế nào về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam?
- Dịch bệnh làm cho hầu hết các đối tác của nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Cả những thị trường mà Việt Nam vẫn cung ứng hàng hóa lẫn những thị trường cung ứng hàng hóa cho Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng.
Do vậy, khả năng phục hồi của chúng ta không chỉ phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh trong nước mà còn phụ thuộc vào thế giới.
Chúng ta vừa mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, chưa có số liệu chính xác thiệt hại về kinh tế là bao nhiêu. Nhưng rõ ràng nhận thấy mức độ cơ bản là rất nặng nề.
Việc vượt qua đại dịch, đưa nền kinh tế trở lại bình thường không phải dễ dàng. Hiện nay khủng hoảng bắt đầu diễn ra phạm vi thế giới, chưa biết mức độ thế nào, chưa biết bao giờ chấm dứt, tác động vẫn là ẩn số. Không ai có thể lường trước được mức độ sẽ như thế nào? Bởi riêng việc bao giờ dịch chấm dứt vẫn là ẩn số.
Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào bên ngoài khi kim ngạch xuất khẩu bằng 200 GDP. Chính phủ cần thúc đẩy tiến độ của các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu tác động dự báo, đưa ra các giải pháp kịp thời.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều màu xám. Cũng có những doanh nghiệp “bật" lên khi tận dụng được những cơ hội trong khó khăn. Rất nhiều hàng hoá thừa nhưng hàng hoá y tế lại khan hiếm. Chúng ta mở rộng xuất khẩu thật mạnh những mặt hàng thiết bị y tế, phòng chống dịch mà thế giới cần.
Đại dịch hoành hành thì nhu cầu lương thực thực phẩm cũng cao hơn.Việt Nam có nền nông nghiệp trời cho, việc cần làm là đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Khó khăn người ta bớt may thêm quần áo nhưng đồ ăn không thể nhịn được.
So với cuộc khủng hoảng 2008 thì cuộc khủng hoảng này kinh khủng hơn nhiều.
- Xin trân trọng cám ơn ông!
Nguyễn Mạnh (ghi)