Gói tiền Tây đổ vào, dàn lãnh đạo Việt lên đời đại gia triệu USD

Làn sóng startup giải pháp công nghệ đang mạnh lên và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài. Không ít doanh nghiệp mới được thành lập hút dòng vốn lớn từ khối ngoại, bên cạnh những doanh nghiệp có lịch sử lâu dài.

Cổ phiếu ABC của Công ty cổ phần Truyền thông VMG - VMG Media (Upcom) sáng 16/11 bất ngờ tăng mạnh thêm 8,5% lên 19.100 đồng/cổ phiếu sau khi đã tăng khoảng 45% trong tuần trước. Với gần 20,4 triệu cổ phiếu, vốn hóa của VMG Media đã đạt gần 400 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên VMG Media tăng giá mạnh. Trước đó, hồi giữa 2017, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã có đợt tăng gần gấp đôi sau khi bán cổng thanh toán VNPT Epay cho đối tác Hàn Quốc và thu về hơn 500 tỷ đồng và quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lên tới gần 200%.

VMG Media là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nội dung số với cổ đông sáng lập là VNPT. Sau khi bán đi Epay, VMG Media đang tập trung hoạt động trong 4 lĩnh vực, bao gồm: Cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (VAS), dịch vụ SMS Brandname, dịch vụ bản quyền và dịch vụ phân tích dữ liệu.

Cơ cấu cổ đông của VMG Media gồm: VNPT (28,3%), ông lớn viễn thông là NTT Docomo (Nhật Bản) 22,07%...

Gần đây, nhiều doanh nghiệp giải pháp công nghệ Việt thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hồi tháng 9/2019 Quỹ đầu tư TA Associates công bố hoàn thành đầu tư vào Công ty cổ phần MISA - doanh nghiệp có trên 2 thập kỷ cung cấp các phần mềm kế toán, quản trị cho doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp hành chính.

Gói tiền Tây đổ vào, dàn lãnh đạo Việt lên đời đại gia triệu USD - 1

Doanh nghiệp công nghệ Việt lọt danh mục đầu tư của ông lớn nước ngoài.

Số liệu khi đó cho thấy, TA đã chi ra khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện của TA là Bock Capital EU Luxembourg cho biết, TA đã chi ra khoảng 53 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần, tương ứng mức định giá 4.100 tỷ đồng. Các cổ đông ban đầu bán cổ phần thu về 770 tỷ đồng.

MISA được biết đến là sản xuất phần mềm máy tính, các dịch vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và tư vấn... Sản phẩm chính của công ty là phần mềm kế toán, phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm quản lý tài sản

Làn sóng giải pháp công nghệ hình thành tại Việt Nam trong vài năm gần đây và trở nên rõ ràng từ 2019. Hàng loạt các startup giải pháp công nghệ được hình thành như Momo, VinID, VnPay, giaohangnhanh, Sendo, Tiki,... Thương mại điện tử, fintech và logistic được xem là 3 mảng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư vào các startup này như trường hợp Warburg Pincus (Mỹ) rót đầu tư vào Momo, hay SoftBank của Nhật và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư gần 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán số VNPay.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam - Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng trong vài năm gần đây cũng đẩy mạnh tái cấu trúc và chuyển hướng từ bất động sản và dịch vụ sang trọng tâm mới là: công nghệ - công nghiệp - dịch vụ. Theo đó, mục tiêu của tập đoàn này là đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Hồi cuối 2019, Tập đoàn Viettel và Vingroup cũng tuyên bố sản xuất được thiết bị 5G và đây là bước đi tiếp theo để Việt Nam sẽ sớm tắt sóng 2G. Đây là công bố rất quan trọng bởi vì trên thế giới tính đến nay mới chỉ có 5 nước sản xuất thiết bị 5G.

Trong các năm trước, sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp bán lẻ đã giúp không ít người trở thành triệu phú hoặc lọt top siêu giàu sau khi các doanh nghiệp này lên sàn. Trong vài năm tới, nhiều khả năng sẽ có loạt triệu phú Việt mới đi lên từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, một ngành vốn không phải thế mạnh của Việt Nam.

Theo VDSC, VN-Index vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực và dần tăng, hướng đến vùng đỉnh cũ 970 điểm. Dòng tiền hỗ trợ vẫn đang ổn định và chưa có tín hiệu tiêu cực bất thường. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần lưu ý khả năng rung lắc khá mạnh ở vùng 970 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể giữ ổn định danh mục đến khi thị trường có tín hiệu dừng cụ thể.