TPHCM:

Gỡ tắc cho người mua nhà theo gói 30.000 tỷ

(Dân trí) - Dù đã triển khai hơn 4 tháng nhưng thực tế gói vay ưu đãi mua nhà 30.000 tỷ đồng chưa thực sự có hiệu quả, số lượng người vay được quá ít do còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Tiến độ giải ngân chậm do nhiều vướng mắc

Ngày 17/10, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TPHCM về gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng trên địa bàn TP, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết đến hết tháng 9/2013 mới chỉ có 137 khách hàng ký kết vay hơn 78 tỷ đồng, trong đó mới có 58 người được giải ngân hơn 22 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc giữa Sở Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP vào ngày 22/10, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bức xúc vì tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ đồng diễn ra quá chậm.

Gỡ tắc cho người mua nhà theo gói 30.000 tỷ
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chưa phát huy hiệu quả đối với thị trường bất động sản vì tiến độ giải ngân quá chậm

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, để mua căn hộ dưới 70m2 với giá dưới 15 triệu đồng/m2 và thời hạn vay trong 10 năm thì người mua trung bình phải trả 5 - 6 triệu đồng/tháng tiền gốc và lãi. Số tiền phải trả hàng tháng này là quá khả năng của người thu nhập thấp.

Ông Vũ Ngọc Kình, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM còn cho là thị trường TPHCM hiện chưa có nhiều dự án vừa đáp ứng tiêu chí dưới 70m2, vừa có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 như quy định cho vay ưu đãi mua nhà ở. Mà nếu có thì đa số nằm ở những quận ven nên người dân cũng chưa mặn mà vay để mua. Điều này cũng góp phần làm tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi này chậm như hiện nay.

Về thủ tục, nhiều người phản ánh là khi đem giấy tờ đến địa phương nhờ xác nhận là “chưa có nhà ở” để bổ sung hồ sơ vay ưu đãi thì không một đơn vị nào xác nhận cho. Ông Vũ Ngọc Kình, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM cũng cho biết nhiều hồ sơ vay mua nhà còn vướng vì các địa phương không chịu xác nhận hiện trạng nhà ở.

Một vướng mắc khác là trong thủ tục xét hồ sơ vay và giải ngân, hiện quy định về công chứng tài sản hình thành trong tương lai chưa rõ ràng nên các ngân hàng cũng ngại ngần khi cho khách hàng thế chấp căn hộ mà họ dự định mua để vay tiền. Các ngân hàng chỉ dám cho vay đối với khách hàng mua nhà ở dự án mà ngân hàng đó liên kết.

TPHCM kiến nghị nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà TPHCM, việc địa phương không dám xác nhận hiện trạng nhà ở cho người muốn vay ưu đãi mua nhà cũng dễ hiểu vì việc xác nhận này liên quan đến trách nhiệm. Mặc dù điều này đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể tại thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013.

Để khắc phục tình trạng này và đẩy nhanh việc triển khai thực hiện việc vay vốn hỗ trợ nhà ở, UBND TPHCM đã có văn bản giao trách nhiệm UBND các quận-huyện chỉ đạo UBND các phường-xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở cho người dân. Theo UBND TP, trong trường hợp này, người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đã có nhà ở khác trong địa bàn tỉnh, thành nơi có dự án mà người đứng đơn muốn vay vốn để thuê, mua.

Ngoài ra, UBND TP kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương mở rộng quy định đối với căn hộ có diện tích trên 70m2 nhưng có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Trong trường hợp này có thể xem xét cho vay ưu đãi tương tự như gói 30.000 tỷ đồng đối với phần diện tích dưới 70m2 hoặc nếu người dân lần đầu tiên tạo lập nhà ở.

UBND TP cũng kiến nghị một loạt các giải pháp khác như: miễn 100% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội; giảm thuế VAT đối với người mua nhà lần đầu… để giảm giá bán căn hộ.

UBND TP cũng kiến nghị tăng thời hạn cho vay hỗ trợ nhà ở lên 20 đến 30 năm đối với khách hàng có thu nhập quá thấp, tránh trường hợp khách hàng đủ “điều kiện” thu nhập thấp nhưng thực tế là không có khả năng chi trả hàng tháng tiền vay mua nhà.

Đồng thời, UBND TP cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về các thủ tục công chứng, giao dịch bảo đảm trong thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Điều này sẽ tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho rất nhiều hồ sơ vay mua nhà đang “vướng” ở các ngân hàng.

Tùng Nguyên