Giữa “tâm bão” dịch tả heo châu Phi, cổ phiếu các “ông lớn” chăn nuôi đang ra sao?

(Dân trí) - Trong khi VN-Index đã chạm mốc 1.000 điểm, thị trường giao dịch hưng phấn cả về giá và lượng thì cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo lại đang chật vật, nhiều mã giảm giá, thanh khoản “tê liệt” do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.

Trước ngưỡng 1.000 điểm, thị trường chứng khoán sáng nay (5/3) xảy ra rung lắc đầu phiên, các chỉ số có lúc đã xuống vùng giá đỏ, tuy nhiên, khoảng từ 10h30, VN-Index đã bật tăng và tạm khép lại phiên sáng với mức tăng 5,85 điểm tương ứng 0,59% lên 999,84 điểm.

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng đạt được mức tăng 0,41 điểm tương ứng 0,38% lên 108,94 điểm.

Số mã tăng giá trên thị trường đang áp đảo số mã giảm với 318 mã tăng, 53 mã tăng trần so với 199 mã giảm, 20 mã giảm sàn.

Thị trường nhận được sự hỗ trợ từ các cổ phiếu có vốn hoá lớn như BID, VCB, GAS, CTG, VIC…, tuy nhiên, VHM, VNM, ROS giảm giá lại phần nào kìm hãm đà tăng của chỉ số chính. YEG tiếp tục giảm sàn.

Thanh khoản có sự bứt phá mạnh. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 178,49 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền chảy vào thị trường giải ngân mua cổ phiếu lên tới 3.319,69 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 31,15 triệu cổ phiếu tương ứng 322,92 tỷ đồng.

Giữa “tâm bão” dịch tả heo châu Phi, cổ phiếu các “ông lớn” chăn nuôi đang ra sao? - 1

Dịch tả heo châu Phi đang ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý người tiêu dùng

Mặc dù diễn biến thị trường đang khá thuận lợi về giá và bứt phá đáng kể về lượng, thế nhưng, tình hình giao dịch tại các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn ngược lại khá yếu.

HPG của Hoà Phát giảm 0,28% còn 35.250 đồng, khối lượng giao dịch đạt 2,64 triệu cổ phiếu. DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, mất 3,17% còn 24.400 đồng, thanh khoản thấp với chỉ hơn 59 nghìn cổ phiếu được giao dịch.

Trong khi đó, một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi khác lại rơi vào tình trạng “tê liệt” thanh khoản. VSN của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan); PSL của Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn, MLS của Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco không hề xảy ra giao dịch nào. VLC của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam đứng giá và thanh khoản rất thấp, chỉ 600 cổ phiếu được giao dịch.

Duy có MSN của Tập đoàn MaSan là tăng giá. Mã này tăng nhẹ 0,56% lên 90.000 đồng. Hồi cuối năm 2018, công ty con của MaSan là Masan Nuitri-Science (MNS) đã chính thức đưa thêm nhà máy chế biến thịt lợn theo tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nam vào hoạt động. Tổ hợp này có tổng số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng với công suất khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm.

Với việc tung ra sản phẩm thịt heo sạch MeatDeli và mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ chiếm 5-10% thị phần tại Hà Nội. MNS cũng lên mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường thị heo trị giá 10,2 tỷ USD trong dài hạn.

Cổ phiếu của các “ông lớn” ngành chăn nuôi heo nhìn chung đều đang khó khăn trong bối cảnh  dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương. Trong vòng một tháng, 202 hộ ở 7 tỉnh thành báo cáo có dịch, hơn 4.200 con heo đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với dịch bệnh.

Báo Chính phủ ngày 4/3 cho biết, bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn tại các địa phương bị xâm nhiễm, liên tục phát hiện thêm các ổ dịch mới ở một số địa phương trong vài ngày qua. Bên cạnh đó, rất có thể bệnh dịch có khả năng đã xâm nhiễm ở một số nơi nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện ra hoặc người dân chưa khai báo.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại một cuộc họp bàn giải pháp cấp bách khống chế dịch này, trước hết phải tập trung thống nhất các giải pháp, hành động từ trung ương đến địa phương.

“Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, lực lượng quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, công an và quân đội để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ: Tài chính, KH&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, tham mưu về định mức hỗ trợ về kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu “hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy”.

Mai Chi

Giữa “tâm bão” dịch tả heo châu Phi, cổ phiếu các “ông lớn” chăn nuôi đang ra sao? - 2