Giữ tỉ giá không quá 18.000 VND/USD
Tỉ giá hối đoái phải có tác dụng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho hàng xuất khẩu.
Tỉ giá hối đoái là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, nhất là trong nền kinh tế bị “đô la hóa” như Việt Nam (ảnh: NLĐ). |
Khi phương án kích cầu đã có, tiền đã có, câu hỏi mà nhiều DN đặt ra là làm thế nào để kiếm được lợi nhuận từ nguồn hỗ trợ bởi gói kích cầu của Chính phủ và tận dụng nguồn vốn vay đang rẻ? Có hai điểm cần lưu tâm.
Thứ nhất, trong phương án vay vốn, lý lẽ có giá trị thuyết phục nhất là để duy trì việc làm cho người lao động, vì đây chính là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu kích cầu của Chính phủ.
Thứ hai, phải nêu mục tiêu vay vốn là để chuẩn bị sức mạnh cho cạnh tranh trong tương lai. Đó là việc riêng của từng DN dựa theo chiến lược của HĐQT và cũng là bí mật kinh doanh nên ngân hàng khó có thể từ chối cho vay.
Về phía DN, việc cần làm là giăng lưới đón lõng tài trợ hoặc nguồn vốn rẻ và kéo lưới thật nhanh.
Để có lưới lớn, phải thiết kế ra những khoản đầu tư trong tương lai nhưng tiêu dùng hiện tại hoặc có thể phối hợp với DN khác cùng đón lõng lợi thế kích cầu. Muốn “cá, tôm” vào nhiều, phải có cách thu hút.
Đó là những luận giải trong đầu tư, kinh doanh mang tính thuyết phục cao, mà thuyết phục nhất lúc này là tăng được việc làm, duy trì thu nhập cho người lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tương lai.
“Luồng cá” đi rất nhanh vì chính sách tài chính đặc biệt lúc này có được là nhờ... suy thoái. Khi qua điểm đáy suy thoái, chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt để không bị lạm phát.
Cho nên, các DN phải tập trung toàn bộ lực lượng, từ con người, vốn, các giải pháp kinh doanh, các dự án đang có để tận dụng các khoản vay lãi suất thấp của ngân hàng và cơ hội giảm thuế của Chính phủ.
Theo tính toán sơ bộ, gói kích cầu của Chính phủ chiếm khoảng 6% GDP của VN - tỉ lệ không nhỏ so với các nền kinh tế khác. Theo kinh nghiệm các nước, Chính phủ ta cần làm một số việc để kích cầu hiệu quả.
Đó là phân bổ cụ thể và chi tiết vào đúng lĩnh vực trọng yếu để tạo nhu cầu tiêu dùng hàng nội địa trong thời gian ngắn. Cũng cần có biện pháp bảo vệ gói kích cầu không bị hàng ngoại nhập xâm lấn.
Muốn vậy, Chính phủ cần có chính sách tỉ giá hối đoái hợp lý để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm cán cân thanh toán quốc tế.
Tỉ giá hối đoái là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, nhất là trong nền kinh tế bị “đô la hóa” như VN, người dân có thể chuyển tiết kiệm từ loại tiền tệ này sang loại khác, gây bất lợi cho phân bổ nguồn lực tài chính, thậm chí tạo tâm lý cất trữ ngoại tệ một cách kém hiệu quả.
Vì vậy, việc điều chỉnh tỉ giá cần phải được nghiên cứu thận trọng, có mức độ hợp lý. Trong đó, cần tính đến sự biến động của USD và các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế cũng như thực trạng cán cân thanh toán quốc tế và nợ ngoại tệ của các DN trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nợ nước ngoài và thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở tăng trưởng xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là tỉ giá hối đoái phải có tác dụng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho hàng xuất khẩu.
Mức điều chỉnh tối đa tỉ giá hối đoái VND/USD từ nay đến cuối năm 2009 chỉ nên dừng ở 5%-6%, tương đương 18.000 VND/USD.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa
Báo Người lao động