1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo Boston Global:

Giới đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm đến Việt Nam

Báo cáo của công ty tài chính quốc tế Merill Lynch rằng kinh tế Việt Nam (VN) phát triển nhanh nhất châu Á trong 10 năm tới đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế.

Trong 20 năm qua kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa, VN tưởng như đã bỏ lỡ cơ hội trở thành nền kinh tế thần kỳ mới nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại tự do ký với Mỹ năm 2001, việc sắp gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các chi phí đang gia tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ đã hâm nóng mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với VN.

Thân Trọng Phúc - Giám đốc hãng Intel tại VN - nói: “VN là nơi mà các hành động phải bắt đầu ngay từ bây giờ - Nó giống như cơn sốt vàng. Thật ngớ ngẩn nếu bạn lại lỡ mất cơ hội”.

Tới gần đây, đó vẫn là câu cửa miệng để nói về Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, khi nguồn vốn đổ vào các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, chi phí lao động của họ đã tăng từ 25% - 40% vào năm 2005, làm giảm sức cuốn hút đầu tư.

Ngày nay, cần 125 USD để thuê 1 lao động làm việc trong nhà máy tại miền Nam Trung Quốc và 750 USD cho 1 kỹ sư phần mềm ở Ấn Độ.

Trong khi đó tại TPHCM, lương hàng tháng tối thiểu cho lao động trong 1 nhà máy là 65 USD/người và cho quản lý trẻ là khoảng 350 USD - đây là mức lương đã tăng 40% sau khi Chính phủ có điều chỉnh vào tháng 2/2006.

Ông Phúc cho biết đó là lý do khiến Intel bỏ qua cơ hội mở rộng 2 nhà máy tại Chengdu và Pudong (Trung Quốc) để xây dựng nhà máy trị giá 600 triệu USD tại Công viên công nghệ cao Sài Gòn. Ông Phúc cũng thừa nhận: “Đặt cược lớn vào VN là một tính toán mạo hiểm, nhưng Intel thích là nhà tiên phong.

Và cứ khi nào Intel đi trước, thì Dell và HP thường theo sau”. Kỳ vọng về sự chuyển đổi của VN đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ lâu. Hà Nội đặt những bước đi đầu tiên trong công cuộc cải cách vào năm 1986, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong suốt 1 thập kỷ.

Năm 1995, VN lại thu hút sự quan tâm khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 nhanh chóng làm khô kiệt sự thèm muốn của các nhà đầu tư đối với thị trường châu Á đang bùng nổ.

Kham “Tom” Doan, Việt kiều Mỹ, 34 tuổi, người đã từ bỏ công việc ở Ngân hàng Mỹ để trở về quê hương lập hãng quản lý tài chính Horizon Capital Advisors, cho biết: “Đúng là VN chậm hơn Trung Quốc trong việc mở cửa, nhưng lại khôn ngoan hơn”.

Bằng chứng về sự gia tăng niềm tin vào nền kinh tế là việc các nhà đầu tư quốc tế chào đón như thế nào khi lần đầu tiên Chính phủ VN phát hành trái phiếu ra nước ngoài vào tháng 10/2005.

VN ước tính sẽ chi khoảng 115 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới và cần 500 triệu USD từ các nhà đầu tư. Chính phủ cũng có kế hoạch thu hút 25 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong 5 năm tới.

Việc các nhà đầu tư “rót” 5,8 tỷ USD vào VN trong năm qua giúp kinh tế nước này đạt mức phát triển 8,5%, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

VN vừa sửa đổi các đạo luật liên quan đến kinh doanh, cởi bỏ những quy định thường làm phiền lòng nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài được kích thích bởi báo cáo của Cty tài chính Merill Lynch rằng kinh tế VN phát triển nhanh nhất châu Á trong 10 năm tới.

Sức hấp dẫn đầu tư của VN còn gia tăng từ chuyến thăm VN của tỷ phú Bill Gates vào tháng 4/2006 với tuyên bố nước này sẽ trở thành trung tâm cung cấp linh kiện cho hãng Microsoft, tương tự Ấn Độ.

Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở VN là 650 USD, tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 19%, sức mua nội địa tăng 20% vào năm 2005.

Tất nhiên, nếu quá hài lòng với những thành tựu trên có thể phải trả giá. Tham nhũng, sự yếu kém trong quản lý và hệ thống luật pháp… là những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Theo T.Đ
Tiền phong/Boston Global

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm