Giới đầu tư "khóc thét" vì HoSE lại đơ nghẽn, sốc khi FLC "xả van"

Mai Chi

(Dân trí) - Giới đầu tư vừa có một phen hoảng loạn sau khi "bóng ma" đơ nghẽn quay trở lại, VN-Index lao dốc từ vùng 1.535 điểm về sát 1.500 điểm. FLC thiết lập kỷ lục thanh khoản với trên 123 triệu cổ phiếu.

Những tưởng câu chuyện nghẽn lệnh, sàn "đơ" đã là quá khứ và sẽ không còn lặp lại, tuy nhiên, đến chiều nay (10/1), giới đầu tư đã có một phen hoảng loạn sau khi "bóng ma" đơ nghẽn quay trở lại.

VN-Index sau khi điều chỉnh về 1.520 - 1.515 điểm thì bất ngờ tê cứng. Bảng điện tử của công ty chứng khoán tái diễn tình trạng "lag", không hiển thị giao dịch. Nhà đầu tư bị "bịt mắt dò đường", bị ảnh hưởng tâm lý nên đặt lệnh bán theo giá thị trường (MP) và theo đó càng khiến chỉ số giảm sâu.

Giới đầu tư khóc thét vì HoSE lại đơ nghẽn, sốc khi FLC xả van - 1

VN-Index lao dốc trong phiên chiều (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý là ở phiên này, HoSE ghi nhận có đến 1,38 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 41.813,3 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FLC xác nhận khối lượng khớp kỷ lục lên tới 123,66 triệu đơn vị. Mã này trong phiên có lúc tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu thì đến thời điểm đóng cửa đánh mất 6,2% còn 21.150 đồng.

Việc "xả van" tại FLC và nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đơ nghẽn" trên HoSE. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về tình trạng này.

Giới đầu tư khóc thét vì HoSE lại đơ nghẽn, sốc khi FLC xả van - 2

FLC xác nhận khớp lệnh kỷ lục trên HoSE (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều mã bất động sản bị xả hàng. Với những nhà đầu tư mua cổ phiếu ở vùng nền thấp thì bán giá nào cũng có lãi, tuy nhiên, đây sẽ là phiên "thảm họa" đối với những nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" trong buổi sáng, vì có những mã sáng tăng kịch trần thì cuối chiều giảm kịch sàn, tương ứng nhà đầu tư "đua lệnh" giá trần trong phiên đã thua lỗ xấp xỉ 14% tài khoản.

Ví dụ, LDG sáng tăng trần lên 29.200 đồng/cổ phiếu nhưng cuối phiên đã giảm sàn về 25.400 đồng; BCM sáng tăng trần lên 80.700 đồng/cổ phiếu thì cuối phiên giảm sàn về 70.300 đồng.

CEO sáng vừa cán mốc 100.000 đồng/cổ phiếu thì đến cuối phiên bị "đạp" không thương tiếc. Mã này đóng cửa giảm sàn gần 10% còn 83.300 đồng, trắng bên mua và dư bán sàn.

Nhiều mã bất động sản có diễn biến tăng tốt trong thời gian qua bị chốt lời, nhiều mã từ trạng thái tăng chuyển sang giảm sâu vào cuối phiên: NLG giảm 6,8%; DXG giảm 5,6%; PTL giảm 5,4%; CCL giảm 5,2%; HDC giảm 5,2%; HDG giảm 5,2%; HAR giảm 5,1%.

Giới đầu tư khóc thét vì HoSE lại đơ nghẽn, sốc khi FLC xả van - 3

Nhiều cổ phiếu trên sàn HoSE "trắng bên mua" (Ảnh chụp màn hình).

"Siêu cổ phiếu" DIG trong phiên có lúc tăng trần lên 125.200 đồng/cổ phiếu thì lúc đóng cửa giảm 4,4% còn 112.000 đồng. TDH cũng từ trạng thái tăng trần lên 13.900 đồng ghi nhận giảm 1,5% còn 12.800 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cổ phiếu bất động sản bị "thất sủng". Vẫn có rất nhiều mã cổ phiếu trong ngành này tăng trần và tăng giá mạnh như SGR, QCG, VPH, TEG, DTA tăng trần; NBB tăng 6,7%; LEC tăng 6,6%; TIP tăng 5,6%; VRC tăng 5,5%...

Trong khi đó, dòng tiền chưa tỏ ra mặn mà với cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Phần lớn cổ phiếu trong hai lĩnh vực này vẫn "đỏ sàn". KLB giảm 5,1%; SSB giảm 4%; NAB giảm 3,8%; SHB giảm 3,6%; OCB giảm 3%...

ART thuộc "họ FLC" cũng giảm 7,2%; CTS giảm sàn; PHS giảm 6,1%; VCI giảm 5,7%; PSI giảm 5,6%; BSI giảm 4,9%...

Toàn thị trường ghi nhận có 638 mã giảm giá, 33 mã giảm sàn trong đó, riêng rổ VN30 có 24 mã giảm, 1 mã giảm sàn là POW. GAS giảm 5,1%; KDH giảm 4,4%; SSI giảm 4%; NVL giảm 2,9%; HDB giảm 2,3%...

Nhóm cổ phiếu "họ" Vingroup vẫn trụ lại và nhờ vậy VN-Index cũng như VN30-Index đỡ được đáng kể thiệt hại có thể xảy ra. VIC tăng nhẹ 0,1%; VRE tăng 0,7% còn VHM đứng tham chiếu.

Kết phiên, chỉ số chính VN-Index mất 24,77 điểm tương ứng 1,62% còn 1.503,71 điểm; HNX-Index giảm 10,95 điểm tương ứng 2,22% còn 482,89 điểm và UPCoM-Index giảm 1,31 điểm tương ứng 1,13% còn 114,3 điểm.