Giao dịch kín 2,4 triệu cổ phiếu của "đại gia giải cứu Bianfishco"

(Dân trí) - Kể cả khi tăng trần thì mức giá của NTB đến thời điểm này cũng chỉ mới đạt 2.900 đồng/cp, mất tới 14,5 lần so lúc chào sàn. Do vậy, tổng giá trị giao dịch của các lô thỏa thuận chiều nay cũng vỏn vẹn 6,96 tỷ đồng.

Phiên chiều 25/12/2012, cổ phiếu NTB của CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584, công ty nổi lên với vụ "rót tiền" giải cứu Thủy sản Bình An (Bianfishco) hồi đầu năm nay, bất ngờ được thỏa thuận giá trần 2,4 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, do thị giá thấp, nên kể cả khi tăng trần thì mức giá của NTB đến thời điểm này cũng chỉ mới đạt 2.900 đồng/cp. Do vậy, tổng giá trị giao dịch của các lô thỏa thuận chiều nay cũng vỏn vẹn 6,96 tỷ đồng.

Dù vậy, NTB khớp lệnh thấp, chỉ nhỉnh hơn 72 nghìn cổ phiếu và chủ yếu là lệnh bán. Dư mua giá sàn cuối phiên chỉ hơn 16 nghìn đơn vị.

Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều đang trong ngưỡng kháng cự mạnh.
Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều đang trong ngưỡng kháng cự mạnh.

Nhìn lại mức giá chào sàn ngày 17/5/2010, mới chỉ khoảng hai năm rưỡi song NTB đã lao dốc thảm hại, từ mức 42.000 đồng xuống còn mức hiện tại, tương ứng mất giá tới 14,5 lần.

Trước đó, ông Trần Kim Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty đã đăng ký bán 8,9 triệu cổ phiếu NTB, tương đương với 22,38% vốn điều lệ. Thời gian giao dịch dự kiến từ 21/12/2012 đến 21/1/2013. Do vậy, không loại trừ giao dịch phiên hôm nay có sự góp mặt của hoạt động thoái vốn từ ông Minh.

Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch NTB sẽ chỉ còn nắm giữ 24.753 cổ phiếu công ty này và làm giảm mạnh tỷ lện sở hữu từ 22,44% xuống còn 0,06% vốn điều lệ.

Ngoài ra, phiên chiều cũng chứng kiến các lô thỏa thuận giá trần đối với cổ phiếu MBB của NH Quân đội. Khối lượng thỏa thuận đạt 456,48 nghìn đơn vị, tương ứng 5,9 tỷ đồng.

EIB xuất hiện chào báo 500 nghìn cổ phiếu ở mức 15.000 đồng, trong khi đó, VCB cũng được chào bán giá trần 27.400 đồng với gần 150 nghìn cổ phiếu. CII được chào 1,3 triệu, không rõ mức giá chào.

Tiếp nối đà tăng lúc sáng, các blue-chips phiên chiều tiếp tục hoạt động tốt cả về giá lẫn thanh khoản.

PVX và SHB được khớp lần lượt 7,6 triệu và 7,7 triệu đơn vị. Cung giá trần cuối phiên còn dư tại mỗi mã 2,67 triệu cổ phiếu và 3,65 triệu.

Trong khi đó, giao dịch ở VCG và CTG, EIB, ITA, KBC, SSI đạt cao, trên 1 triệu đơn vị mỗi mã. Cụ thể, CTG tiếp tục giữ được mức tăng 700 đồng, khớp 2,6 triệu, VCG tăng 200 đồng, khớp 2,2 triệu. KBC vẫn giữ mức trần thiết lập ban sáng, khớp 2,8 triệu.

DPM tăng tốt, 600 đồng mỗi cổ phiếu. HPG, EIB, VNM, VCB, PDR, PVD đều đóng cửa tại mức giá xanh. Cầu ngoại với VCB tăng lên 432,51 nghìn đơn vị, tại PVF là 246,9 nghìn; tại CTG đã ở mức 1,16 triệu, PVS là 533 nghìn và 350 nghìn cổ phiếu ở HPG.

BVH bất ngờ giảm điểm 200 đồng vào cuối phiên, tương ứng mất 0,6%. Khớp lệnh đạt 465 nghìn đơn vị, trong đó, khối ngoại mua 128,52 nghìn cổ phiếu.

Trong khi VN30-Index tăng hứng khởi 2,16 điểm, tương ứng tăng 0,46% thì HNX30-Index lại mất đà, quay đầu giảm 0,04 điểm. Thủ phạm khiến chỉ số của HNX30 mất điểm do có tới 17 mã giảm, 2 mã giảm sàn trong khi chỉ có 9 mã tăng. Các trụ cột như ACB chỉ tăng 100 đồng, KLS đứng tham chiếu, VND mất 100 đồng và giao dịch mạnh.

SHB tăng 100 đồng, VCG tăng 200 đồng, PVX tăng 100 đồng, giao dịch ở 3 mã này tới trên 10 triệu đơn vị song cũng không "cứu" nổi HNX30-Index phiên này.

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm nay, VN-Index giữ được mức tăng 1,63 điểm, lên 401,34 điểm với 105 mã tăng, 31 mã tăng trần; và HNX-Index cũng vượt ngưỡng 55, đạt 55,04 điểm, tăng 0,04 điểm với 85 mã tăng, 32 mã tăng trần, 121 mã giảm, 35 mã giảm sàn.

Như vậy, cả hai chỉ số đều đang trong ngưỡng kháng cự mạnh và thị trường hồi hộp chờ diễn biến những phiên tới, liệu các thông tin vĩ mô cũng như tin tức về doanh nghiệp công bố cuối năm có đủ sức đẩy niềm tin thị trường lên hay không.

Về thanh khoản, , HSX duy trì 43,12 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, đạt trị giá 518,2 tỷ đồng trong khi HNX cũng có 49,4 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng 345,3 tỷ đồng.

Mai Chi