Giao công ty địa ốc “tỷ đô” cho 2 nữ tướng, tài sản ông Phạm Nhật Vượng “hồi” mạnh

(Dân trí) - Cổ phiếu VHM và VIC tăng mạnh sau quyết định thay đổi nhân sự cấp cao đáng chú ý tại Vinhomes. Điều này không những đã kéo chỉ số bật tăng trở lại mà còn giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng – ông chủ Vingroup lấy lại đáng kể giá trị tài sản trong cổ phiếu.

vinhomes.jpg

Thông tin ông Phạm Nhật Vượng rời ghế Chủ tịch Vinhomes khiến nhiều người bất ngờ

Sau phiên giảm mạnh hôm qua, các chỉ số đã hồi phục đáng kể trở lại trong sáng nay. VN-Index tăng 8,68 điểm tương ứng 0,9% lên 974,15 điểm và HNX-Index tăng 0,64 điểm tương ứng 0,61% lên 106,5 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về các mã tăng giá với 325 mã tăng, 44 mã tăng trần so với 190 mã giảm, 34 mã giảm sàn.

Thanh khoản sụt giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên HSX giảm còn 89,13 triệu cổ phiếu tương ứng 1.887,45 tỷ đồng; con số này trên HNX là 16,78 triệu cổ phiếu tương ứng 210,55 tỷ đồng.

Sáng nay, chỉ số chính được sự hỗ trợ của một số mã lớn như VHM, VCB, VIC. Trong đó, VHM hồi phục 2.000 đồng đóng góp 2,04 điểm cho VN-Index; VCB tăng 1.100 đồng đóng góp 1,24 điểm và VIC tăng 1.200 đồng đóng góp 1,17 điểm cho chỉ số chính.

Chiều ngược lại, ROS, EIB, VJC, BVH, CTG, VCI… giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index, tuy nhiên, những mã này tác động không đáng kể đến thị trường chung.

Hiện VHM đang là doanh nghiệp có vốn hoá lớn thứ 2 thị trường, đạt hơn 304.000 tỷ đồng, chỉ sau công ty mẹ là Vingroup (VIC) với vốn hoá trên 370.000 tỷ đồng.

Diễn biến hồi phục mạnh mẽ của VHM và VIC sáng nay không những đã kéo chỉ số bật tăng trở lại mà còn giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng – ông chủ Vingroup lấy lại đáng kể giá trị tài sản trong cổ phiếu.

Với sở hữu trực tiếp và gián tiếp trên 1,86 tỷ cổ phiếu VIC, trong phiên sáng nay, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tạm thời hồi phục trên 2.238 tỷ đồng. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên đến cuối phiên hôm nay khi mà biên độ tăng của VIC tiếp tục được mở rộng trogn phiên giao dịch chiều.

Cổ phiếu VIC và VHM tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tích cực và sau khi ông Phạm Nhật Vượng rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinhomes và HĐQT công ty này đã bầu bà Nguyễn Diệu Linh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc làm tân Chủ tịch Vinhomes theo đề nghị của chính ông Phạm Nhật Vượng. “Ghế” Tổng giám đốc của bà Linh được giao cho bà Lưu Thị Ánh Xuân đảm nhiệm. Như vậy, Vinhomes sẽ được quản trị và điều hành bởi 2 “nữ tướng”.

Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu năm 2018, ông Vượng từng nói rằng, “chia sẻ hoá” là một trong 5 nội dung quan trọng mà Vingroup triển khai trong giai đoạn phát triển mới để khắc phục các vấn đề về quản trị.

Theo ông Vượng, trong nội bộ tập đoàn, các công ty chia sẻ nguồn lực, việc gì làm chung được, làm tập trung được thì sẽ làm. Việc này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản trị và hiệu quả công việc.

Mô hình của Vingroup là mô hình tập đoàn với các công ty con hạch toán độc lập. Mỗi công ty có một tổng giám đốc, một bộ máy riêng và tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tập đoàn. Nếu tổng giám đốc không làm được thì đích thân ông “nhảy” xuống làm.

“Cứ đào tạo rồi đẩy dần lên được thì tôi rút” – ông Vượng nói.

Mai Chi

Giao công ty địa ốc “tỷ đô” cho 2 nữ tướng, tài sản ông Phạm Nhật Vượng “hồi” mạnh - 1