Giảm thuế nhập khẩu ô tô chỉ là vấn đề thời gian

Không gây ồn ào như ô tô cũ, những chiếc xe ô tô mới nhập khẩu đang lặng lẽ tìm con đường riêng để xâm nhập thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho xe mới chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nissan, một trong những tập đoàn xe hơi hàng đầu của Nhật Bản vừa chính thức bước vào thị trường xe ô tô du lịch của Việt Nam, thông qua việc mở đại lý phân phối độc quyền.

Chất lượng xe nhập khẩu cao hơn hẳn xe lắp ráp trong nước và tâm lý thích xe mới là những yếu tố mà các nhà kinh doanh xe nhập khẩu tin rằng, họ sẽ gặt hái được những thành công trong thời gian tới.

Rất có thể cách làm này của Nissan sẽ được nhiều hãng xe hơi danh tiếng khác trên thế giới lựa chọn để đánh dấu sự có mặt chính thức của họ tại một thị trường có trên 80 triệu dân, với nhu cầu ô tô chưa mấy được khai thác.

Anh Nguyễn Văn Tân, Trưởng đại lý phân phối ô tô Nissan phát biểu: "Tới đây khi Việt Nam  bước vào hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Là một doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi xác định, nếu chiến lược kinh doanh kéo dài được trong một vài năm tới mà đứng vững, là chúng tôi thành công".

Chiếc xe có giá nhập khẩu chưa đến 20.000 USD, tuy nhiên, do sự bảo hộ cao với thuế suất nhập khẩu hiện hành lên tới 90%, thuế tiêu thụ đặc biệt 50% và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 10%, nên nó hiện có giá bán không dưới 60.000 USD khi tới tay người tiêu dùng.

Thế nhưng, khả năng những chiếc xe như thế này chỉ còn giá bán chưa đến 40 nghìn USD trong vòng 3 năm tới là điều hoàn toàn có thể. Sức ép hội nhập đang buộc Việt Nam  phải giảm dần thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuống còn bằng tương đương xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Theo cam kết của ASEAN, chúng ta phải đưa mặt hàng ô tô nguyên chiếc ra khỏi danh mục, loại trừ hoàn toàn và chuyển sang danh mục cắt giảm. Trong vòng 2, 3 năm nữa sẽ phải cắt giảm dần dần. Khi thuế nhập khẩu đối với xe ô tô trong ASEAN cắt giảm thấp, cũng phải xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với các nước ngoài ASEAN, không thể để nó quá chênh lệch".

Như vậy, sau câu chuyện ô tô cũ, các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ lại phải đối phó với sức ép cạnh tranh của xe nguyên chiếc nhập khẩu. Vấn đề còn lại vào lúc này chỉ là, thuế nhập khẩu đối với xe mới nguyên chiếc sẽ được cắt giảm nhanh hay từ từ để kéo dài sự bảo hộ.

Ông Trung cho biết thêm: "Cá nhân tôi phụ trách vấn đề này thì tôi cho rằng, phương án cắt giảm đều từng bước trong 3 năm hợp lý hơn. Bởi vì cũng không nên chờ đến cuối rồi mới cắt giảm. Nhưng cũng không thể cắt giảm ngay trong những năm đầu vì sẽ gây ra nhiều tác động lớn".

Điều đáng nói là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sau một thời gian dài hưởng lợi từ sự bảo hộ, đã không mấy quan tâm tới việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá bán để tạo lợi thế cạnh tranh khi hội nhập.

Giờ đây, trước áp lực giảm thuế, mở cửa cho xe nguyên chiếc, nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp đang tính đến phương án làm đại lý tiêu thụ xe cho công ty mẹ của mình ở nước ngoài.  Tỷ lệ trên 20% giá bán xe được dành cho khâu chăm sóc khách hàng sau bán hàng đang là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước tính đến việc chuyển hướng kinh doanh.

Theo Mạnh Hùng
VTV