“Giảm thuế, giá sẽ giảm mạnh”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã cho biết như vậy khi trả lời báo giới xung quanh các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong cuộc họp báo chiều qua 8/8.

Năm 2004, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 9,5% đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng kinh tế để duy trì lạm phát ở mức ổn định, ông nghĩ thế nào?

Tôi cho rằng trong nghiên cứu thì có nhiều giải pháp khác nhau nhưng áp dụng biện pháp nào phải phù hợp với điều kiện đất nước trong từng thời kỳ.

Rõ ràng, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế thì cần nhiều giải pháp vĩ mô, nên khó có thể đánh đổi cái rất quan trọng đấy được. Tuy nhiên, những cái gì chúng ta có thể kiểm soát được thì phải kiểm soát chặt chẽ.

Kiềm chế tốc độ tăng CPI, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng. Nhưng theo một số chuyên gia, để giảm giá cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mới có hiệu quả?

Chúng tôi đã có quyết định giảm thuế một số mặt hàng để áp dụng với các tờ khai hải quan từ ngày 8/8... đây đều là các mặt hàng có mức thuế cao từ 20% - 40%. Thuế đánh trên giá các mặt hàng này đều chiếm tới 1/5 giá thành cho nên khi giảm thuế cũng là giảm giá khá lớn. Vì thế, tôi tin nó sẽ tác động ngay đến giá và đồng thời làm hàng sản xuất trong nước cũng giảm theo.

Vậy đối với mặt hàng ô tô, việc giảm thuế nhập khẩu có làm giảm giá ô tô như nhiều người mong đợi không, thưa ông?

Những quyết định giảm thuế từ năm 2006, đầu 2007 đã có tác động rất mạnh tới giá ô tô trên thị trường: thứ nhất không tăng, thứ hai là giảm dần. Một số doanh nghiệp có thể không giảm giá nhưng tăng các dịch vụ khuyến mãi, tăng tiện ích, trang thiết bị cho người sử dụng...

Cầu về thị trường ô tô hiện nay đang khá nóng, 7 tháng đầu năm ngoài sản xuất lắp ráp trong nước tiêu thụ rất tốt thì số ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cũng rất lớn, ô tô qua sử dụng cũng tăng nhiều.

Có thể thấy việc giảm thuế nhập khẩu 10% hồi đầu năm đã tác động rất nhiều tới giá. 5 tháng cuối năm, với mức giảm tiếp 10% (xuống còn 70% như hiện nay), tôi tin rằng giá ô tô sẽ tiếp tục có lợi cho người tiêu dùng.

Trong quyết định giảm thuế, Bộ Tài chính nói rằng đây là biểu thuế tạm thời, vậy có thể hiểu từ tạm thời ở đây là thế nào, thưa ông?

Biểu thuế tạm thời là giải pháp tạo cung ngay (với giá thấp hơn so với hiện hành) cho thị trường bằng cách giảm mạnh thuế mạnh, có nhóm hàng lên tới 50-60%. Chúng tôi mong muốn nói “tạm thời” có nghĩa là Nhà nước có thay đổi chính sách, người tiêu dùng, nhà sản xuất cũng có thể dự báo được...

Ngoài ra, yếu tố tạm thời còn thể hiện khi các mục tiêu khi ban hành chính sách đã đạt được thì sẽ được xử lý lại ở mức thuế suất hợp lý hơn, không có nghĩa là quay lại như cũ; trường hợp thị trường vẫn diễn biến xấu thì lại tiếp tục giảm thuế nhiều hơn.

Vậy tác động của giảm thuế đối với thu ngân sách và sản xuất thế nào, thưa ông?

Đây là vấn đề chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định giảm thuế. Khi giảm thuế bao giờ cũng tác động đến sản xuất trong nước, giảm bảo hộ với doanh nghiệp sản xuất với mặt hàng đó, tuy nhiên nếu điều đó kéo dài sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, việc giảm thuế cũng khiến nguồn thu ngân sách bị giảm, tuy nhiên, do thu ngân sách tính theo cả kỳ, trong mấy tháng đầu năm giá nhập khẩu tăng, trong khi thuế giữ ổn định nên thu ngân sách đã tăng. Tính toán cả năm, chúng tôi thấy việc giảm thuế có ảnh hưởng tới thu ngân sách nhưng không giảm nhiều.

Xin cám ơn ông!

An Hạ (ghi)