Giảm giá xăng chưa kiềm chế được tăng giá tiêu dùng

(Dân trí) - Đợt tăng giá xăng vừa qua đã đẩy giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Thế nhưng hiện nay giá xăng đã giảm trở lại 1.000 đồng/lít (từ 12/9) song giá hàng hóa, dịch vụ vẫn không giảm, thậm chí một số mặt hàng còn có chiều hướng tăng thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế đợt giảm giá xăng lần này là nhằm góp phần kìm hãm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý trong bối cảnh chỉ số này có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm do giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng.

Tuy nhiên, trong tháng 9 đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cho dù có việc xăng giảm giá. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng vẫn dao động ở mức 0,4 - 0,6% so với mức 0,4% của tháng trước.

Giá cước taxi hiện nay vẫn đang ở mức cao, từ 7.500 đồng - 8.500 đồng/km, tùy hãng và loại xe (cao hơn trước khi tăng giá xăng dầu đợt 9-8 vừa qua khoảng 1.000 đồng/km). Tương tự, giá cho thuê xe du lịch hiện nay vẫn đứng ở mức khá cao, tăng từ 15% - 25% so với trước khi tăng giá xăng dầu.

Các siêu thị, trung tâm bán lẻ đã rục rịch điều chỉnh giá nhiều mặt hàng bởi  nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối hàng đã thông báo đề nghị tăng giá. Tình hình này cũng đang xảy ra ở các chợ đầu mối. Công vận chuyển hàng hóa tăng ít nhất cũng phải 20.000 đồng - 30.000 đồng/tấn. Và mức giá trên vẫn tiếp tục duy trì cho dù hiện tại giá nhiên liệu đã giảm trở lại.

Mặt khác, nửa tháng nữa sẽ áp dụng mức lương tối thiểu mới nên phản ứng hiện tại, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã "khấp khởi" tăng giá. Những đợt tăng lương trước đây đều cho thấy trước ngày lương tăng khoảng 2 tuần thì giá nhiều mặt hàng đều tăng khoảng 5%, riêng mặt hàng đồ hộp tăng mạnh đến 10%.

Thảo Cường