1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giám đốc “Hoa Mơ” và trận chiến hậu mở cửa

(Dân trí) - Bên cạnh sự xuất hiện của hàng chục thương hiệu hóa mỹ phẩm toàn cầu thì cũng là lúc mất đi của ngần ấy thương hiệu nội. “Cuộc chiến” thị trường vốn khốc liệt và ít ai biết được có một thương hiệu đậm chất nhà quê - Hoa Mơ - vẫn tồn tại và phát triển.

“Tôi đã ôm mộng giám đốc với cái xưởng con con tại gia của mình khi đã có được thị trường ở hầu hết các tỉnh thành phía bắc, có lúc xuất được cả vài chục tấn hàng sang Trung Quốc. Mới thầm tự trào là giám đốc không bằng cấp thì đứt gánh” - Giám đốc Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Hòa Hợp, Đỗ Trung Hòa, bắt đầu câu chuyện thành công ngày hôm nay của mình bằng những thất bại đầu tiên.

Giám đốc không bằng cấp

Ngoài 30 tuổi, thuộc thế hệ 7X, anh không hẳn là một doanh nhân trẻ nhưng được biết anh vào nghề khi còn rất trẻ?

Đúng thế. Thông thường, với đàn ông, cái ngưỡng ngoài 30 tuổi đã được xem là phải rất chín chắn và thành đạt rồi. Nhưng tôi chưa lần nào nghĩ mình đã qua tuổi trẻ, không phải vì tôi nhỏ bé, trẻ dai, cũng không hẳn vì tôi khởi nghiệp khi mới mười tám đôi mươi mà có lẽ vì lĩnh vực thị trường bột giặt nội rất non trẻ, chưa đầy chục năm tuổi.

Các đối tác là những ông chủ cộm cán của các tập đoàn tên tuổi về bột giặt khi làm việc đều rất ngạc nhiên khi thấy tôi còn rất ít tuổi và cũng chẳng phải là dòng giống “con ông cháu cha” được thừa hưởng truyền thống kinh doanh của dòng họ.

Vậy nguyên do nào đưa anh đặt chân vào con đường sản xuất kinh doanh hóa mỹ phẩm?

Gia đình tôi là nông dân chính gốc. Tôi sinh ra cũng là một cậu trai nhà quê. Nhà nghèo, đông anh em, cố lắm bố mẹ lo cho học xong cấp III, ngậm lòng không dám ước mơ thi vào đại học. Ước mơ nhỏ lúc ấy chỉ là thoát cảnh làm ruộng cật lực cả đời mà vẫn nghèo như bố mẹ nên có cơ hội, tôi xin vào làm công nhân ở Viện Hóa Công nghiệp để lấy tiền giúp gia đình.

Nhưng quả thật công việc nấu xà phòng ở đây quá mới mẻ, thích thú đối với tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã bắt đầu khởi nghiệp từ ngay những ngày đầu học việc nấu xà phòng ấy.

3 năm sau, tôi bỏ làm, về quê lập tổ hợp xà phòng giặt Hòa Hợp khi đã học được chút nghề. Bắt đầu từ những sản phẩm kem giặt bình dân với các cửa hàng trong khu vực. Công việc làm ăn tiến triển khá thuận lợi, chúng tôi nhanh chóng nâng sản lượng từ vài trăm cân lên vài tấn và vài chục tấn mỗi tháng.

Tôi đã ôm mộng giám đốc với cái xưởng con con tại gia của mình làm nên kỳ tích khi đã có được thị trường ở hầu hết các tỉnh thành phía bắc, có lúc xuất được cả vài chục tấn hàng sang Trung Quốc mỗi tháng. Mới thầm tự trào là giám đốc không bằng cấp thì đứt gánh…

Vị Giám đốc trẻ nheo nheo mắt vừa kể, vừa hồi tưởng lại giai đoạn khủng hoảng của tổ hợp xà phòng Hòa Hợp những năm 1997 - 1999. Mở cửa thị trường rộng rãi, lần đầu tiên tên tuổi các tập đoàn hóa mỹ phẩm nước ngoài xuất hiện rồi tràn vào Việt Nam ồ ạt như Colgate, Pamolive, P&G… của Mỹ, Unilever của Anh…, Tide, Omo - những sản phẩm giặt tẩy dạng bột, hạt thơm mùi, hình thức bao bì hấp dẫn làm thay đổi hẳn thói quen dùng kem giặt của người Việt.

Hòa Hợp cũng như hàng loạt hãng xà phòng giặt tẩy “nội” khác tưởng không gượng dậy được. Cả năm 1998, tổ hợp đóng cửa, bất động hoàn toàn. Không còn cách nào khác là phải thích nghi, phải cải tiến, cuối năm 1999, anh chủ xưởng Đỗ Trung Hòa chính thức vào vai giám đốc công ty THHH Hóa mỹ phẩm Hòa Hợp, vị giám đốc lúc này quả thật là trẻ. Ngay lập tức, bột giặt Hoa Mơ, sản phẩm đầu tay của công ty, chào hàng thị trường…

Ước vọng chinh phục “phố”

Anh lại “về quê” với Hoa Mơ?

Không phải tôi “về quê” vì trước giờ vẫn ở quê thôi, chưa bao giờ “ra phố”. Nhưng quả là tôi đã xác định được thị trường của mình chính là các vùng nông thôn, ngoại thành, nơi không đòi hỏi nhiều về mẫu mã, chuộng tên tuổi và những chiêu thức tiếp thị quy mô mà phải nghiêng hẳn vì lợi ích người tiêu dùng là chất lượng và giá cả.

Cái tên Hoa Mơ cũng Việt, cũng nông dân nhưng cũng là tiêu chí biểu trưng cho sản phẩm của Hòa Hợp: sự trắng sạch, trắng không pha tạp như màu hoa mơ Chùa Hương.

Tên tuổi của Hoa Mơ đã đem lại cho anh thành công với 2 giải thưởng Sao vàng đất Việt (2004 và 2006), danh hiệu Chân dung Bạch Thái Bưởi và vô số huy chương, giải thưởng khác. Nhưng anh có thấy cái tên Hoa Mơ vẫn sẽ bị “lép” khi xướng lên cùng những cái tên tây tây khác?

Quả là tôi đã có những trải nghiệm về việc này. Một lần, tôi thử làm một thao tác nhỏ là tráo bao bì bột giặt Hoa Mơ và một loại bột giặt dán nhãn tập đoàn lớn đang chiếm thị phần rất lớn. Thật bất ngờ, sau khi giặt thử, chuyên gia một đại lý phân phối hàng lớn nhất của Hòa Hợp thừa nhận loại bột giặt trong bao bì tên tuổi nước ngoài kia vẫn tốt hơn. Sự thật là người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng hiệu, vẫn sính ngoại.

Vậy anh có “chiến lược” gì trong tương lai?

Không thể co mình mãi được, phải “ra phố” để khẳng định mình thôi. Chúng tôi vừa cho ra một sản phẩm mới, tên vừa tây vừa ta (cười) - bột giặt AKA hương nước hoa. Thực ra cũng là tên Việt thôi, viết tắt của các từ: An toàn (an toàn cho người sử dụng) - Kinh tế (kinh tế cho gia đình) - Ấn tượng (Ấn tượng vì hương nước hoa trong bột giặt - công nghệ mới nhất hiện nay). Việc kết hợp đưa tinh chất hương nước hoa vào sản phẩm bột giặt này lần đầu tiên có ở Việt Nam đấy, với một dây chuyền, công nghệ hoàn toàn mới.

Tôi cũng kỳ vọng, sản phẩm này với hương nước hoa sang trọng, độc đáo (không cần dùng nước xả vải) sẽ tạo nên sự khác biệt về đẳng cấp, hướng đến những đối tượng tiêu dùng cao cấp. Chúng tôi có định hướng là sẽ mang đến sự lựa chọn mới cho người Việt, đặc biệt là đối với những người có thu nhập.

Xin chúc anh thành công với những dự định của mình. Người Việt cũng rất mong được dùng hàng Việt. Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phương Thảo - Trần Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm