Giải mã Việt Nam có thêm người giàu nhất thế giới
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều đại gia Việt Nam không chỉ duy trì vị thế mà còn gia nhập lại đường đua của những người giàu nhất thế giới.
Việt Nam (VN) đã có sáu tỉ phú USD giữa mùa đại dịch Covid-19, theo bảng xếp hạng mới nhất của tạp chí Forbes. Đây là một con số vẫn còn khá nhỏ nhưng đủ phác họa về sự thích ứng, linh hoạt của các doanh nhân Việt biết vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tiến lên phía trước.
Vượt lên sóng gió
Cho đến trước tháng 5/2020, trên bảng xếp hạng tỉ phú USD của Forbes, VN chỉ hiện diện bốn tỉ phú USD. Đến cuối tháng 5, VN có thêm hai tỉ phú USD trong bảng xếp hạng của tạp chí này.
Theo đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, đã quay trở lại bảng xếp hạng tỉ phú. Theo cập nhật đến ngày 22/5 của Forbes, cả hai ông đều có mức tài sản đúng giá trị 1 tỉ USD, vừa đủ nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Đáng chú ý, sau hai năm mất danh hiệu tỉ phú USD, ông Trần Đình Long đã quay lại với thứ hạng 1.756 những người giàu nhất thế giới. Còn ông Nguyễn Đăng Quang sau khi mất danh hiệu vào cuối năm 2019 đã quay trở lại với thứ hạng 1.717.
Sự trở lại của ông Nguyễn Đăng Quang nhờ vào việc doanh thu quý I-2020 của Tập đoàn Masan tăng 116% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành thực phẩm. Đồng thời, hệ thống siêu thị VinMart sau khi về tay Masan đã được cải thiện hiệu suất, tăng doanh thu. Cụ thể, mức lỗ quý I-2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Quang cho biết khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. Nhờ vào các hoạt động kinh doanh hiệu quả và kỳ vọng tương lai về lợi nhuận tăng trưởng nên cổ phiếu Masan tăng hơn 30% trong quý đầu năm 2020.
Một cách tương tự, Tập đoàn Hòa Phát đã cho thấy sức mạnh lớn và tầm nhìn xa trên thị trường. Thắng lớn nhờ vào đầu tư nông nghiệp với lãi ròng hơn 500 tỉ đồng trong quý I vừa qua một phần đến từ đầu tư nuôi heo. Mảng kinh doanh cốt lõi là thép của Hòa Phát cũng đón nhận tin vui khi xuất khẩu được phôi sang Trung Quốc, một cường quốc về thép trên thế giới.
Bên cạnh đó, tỉ phú Trần Đình Long nhận định: “Năm nay, thị trường thép sẽ tăng trưởng dương vì hậu Covid sẽ phải đầu tư công. Gói đầu tư công của VN đạt 700.000 tỉ chủ yếu giải ngân vào đường sá, cầu cống… nên ngành thép sẽ hưởng lợi”. Trên nền tảng này, kỳ vọng tương lai tốt với Hòa Phát đã đẩy giá cổ phiếu đi lên.
Không than vãn, xin xỏ
Cũng chịu ảnh hưởng từ Covid-19, với doanh thu và lợi nhuận có suy giảm nhưng tư duy tự lực luôn hiện hữu trong suy nghĩ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco). Tinh thần thép của ông thể hiện rất mạnh mẽ khi phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng mới đây. Thay vì xin hỗ trợ, ông Dương nhấn mạnh: Dù Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ, song phải để các DN tự đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ, không làm mất nhuệ khí của DN.
“Trong phát triển kinh tế có những lúc gặp khó khăn, thuận lợi và khủng hoảng lớn nhỏ khách quan là tất yếu. DN có khi lời, khi lỗ; khi thành công, khi thất bại. Chúng tôi xem dịch bệnh này là thách thức tạo động lực mới cho phát triển tiếp theo” - ông Dương nhấn mạnh. Trên thực tế, công ty của ông Dương rất vững vàng trước cơn đại dịch bệnh. Bản thân ông Dương là một trong những vị tỉ phú có số tài sản không suy chuyển là 1,5 tỉ USD, xếp thứ hạng 1.415 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng các doanh nhân Việt luôn có điểm mạnh là tính linh hoạt, thích ứng nhanh và bắt kịp với xu thế trong thời buổi khó khăn. Covid-19 cũng là cơ hội để giúp các doanh nhân Việt nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước những biến cố của thị trường; tái cấu trúc cơ sở sản xuất và chuyển đổi chiến lược.
Nhìn về hệ quy chiếu này, các vị tỉ phú USD của VN rất biết cách duy trì vị thế của mình. Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet, vốn trong tình trạng kinh doanh khó khăn như các đội bay trên thế giới do bị Covid “khóa chặt bầu trời”. Báo cáo quý I-2020 của VietJet cho thấy doanh thu giảm 47%, đạt 7,2 ngàn tỉ đồng và ghi nhận khoản lỗ 989 tỉ đồng so với lãi ròng 1.500 tỉ đồng của quý I-2019.
Trước khó khăn, bà Thảo cho biết khi nhiều chuyến bay chở khách bị tạm dừng vì các hoạt động chống dịch bệnh nghiêm ngặt thì VietJet đã thực hiện chuyển đổi sang chuyên chở hàng hóa cả nội địa lẫn quốc tế, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới... Nhờ đó, tình hình kinh doanh cải thiện, cổ phiếu không giảm nhiều và đang hồi phục nhanh chóng.
TS Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn quản trị tại Khoa kinh doanh và quản trị, Đại học RMIT VN, nhận định cú sốc dịch bệnh có thể là dịp lý tưởng để DN rà soát lại các quy trình làm việc hiện tại. Đơn cử như khâu tuyển dụng và quản lý nhân lực, chuỗi cung ứng và phân phối, phát triển sản phẩm, chiến lược và hoạt động tài chính. “Lãnh đạo DN cần phải vạch ra tầm nhìn cho thế giới hậu đại dịch và các chiến lược để đạt được tầm nhìn đó. DN sẽ thành công bền vững nếu biết thực thi tốt các chiến lược đó dựa trên những luật chơi mới” - ông Burkhard Schrage nhấn mạnh.
Chống chịu tốt trước đại dịch
Thực tế cho thấy dù trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các tỉ phú VN đã thực thi tốt các chiến lược kinh doanh và giữ vững động lực tăng trưởng trong dài hạn. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, vẫn duy trì năng lực điều hành kinh doanh của mình nên dù tài sản mất 100 triệu USD, ông vẫn đứng thứ 286 trong bảng xếp hạng tỉ phú USD thế giới với tổng giá trị tài sản 6 tỉ USD.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, mất 44 triệu USD do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tài sản vẫn duy trì 1,2 tỉ USD, xếp thứ 1.990 trong bảng xếp hạng tỉ phú USD thế giới. Tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet, vẫn ở mức 2,3 tỉ USD. Đáng chú ý, thứ hạng của bà được cải thiện, từ mức 1.062 trên thế giới lên mức 1.012 hiện nay.
Theo Phương Minh
Pháp luật TPHCM