1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Giải mã” mức lãi đậm của EVN trong năm 2019

(Dân trí) - Với giá vốn tăng, lợi nhuận gộp bị suy giảm so với năm 2018 nhưng EVN vẫn báo lãi lớn trước thuế 12.450 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính giảm sâu.

Theo thông tin tại báo cáo tài chính năm 2019 (đã được kiểm toán) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố, trong năm vừa rồi, tập đoàn này đạt tổng cộng 394.890 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16,6% so với kết quả đạt được trong năm 2018.

“Giải mã”  mức lãi đậm của EVN trong năm 2019 - 1

Chi phí tài chính giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến EVN tăng lãi trong năm 2019

Tuy nhiên, giá vốn lại cũng tăng rất mạnh với mức tăng lên tới 20,5%. Tốc độ tăng giá vốn lớn hơn tốc độ tăng doanh thu và chiếm tới 87% tổng doanh thu thuần nên khiến lợi nhuận gộp bị giảm đáng kể.

Theo đó, năm 2019, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN ở mức 51.038 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2018.

Mặc dù chi phí bán hàng tăng 6,3% lên 7.134 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm hơn 334 tỷ đồng và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng giảm so với năm 2018 nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EVN trong năm vừa rồi vẫn tăng mạnh tới 47% tương ứng tăng 3.919 tỷ đồng lên 12.244 tỷ đồng.

Nguyên nhân là chi phí tài chính của EVN giảm mạnh, giảm tới 6.559 tỷ đồng so với năm 2018 xuống còn 22.496 tỷ đồng.

Với lợi nhuận khác đạt 256 tỷ đồng, chỉ bằng 34% so với năm 2018, EVN khép lại năm 2019 với tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 12.450 tỷ đồng, tăng 3.374 tỷ đồng, tương ứng tăng 37% so với thực hiện của năm trước.

Sau khi nộp hơn 2.600 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, EVN còn 9.720 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mức lãi này đưa tổng lãi sau thuế của EVN luỹ kế đến 31/12/2019 đạt trên 6.276 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, EVN có tổng 721.460 tỷ đồng tổng tài sản, tăng gần 15.000 tỷ đồng so với năm 2018.Trong khi đó, tổng nợ phải trả là 495.046 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng.

Báo cáo này của EVN đã bị phía Deloitte nêu ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Theo đó, báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1 - công ty con của EVN) được hợp nhất toàn bộ vào báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn.

Tuy nhiên, Deloitte lại không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về số liệu báo cáo tài chính của PECC1 và không thực hiện được các thủ tục kiểm toán bổ sung đối với BCTC của PECC1 cho năm 2018, dẫn đến việc phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ với BCTC năm 2018.

Đồng thời, kiểm toán viên cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các số liệu BCTC của PECC1 cho năm 2019 cũng như ảnh hưởng của các vấn đề ngoại trừ năm trước lên BCTC hợp nhất năm nay của EVN.

Mai Chi