1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá trị vô hình của đất vẫn bị bỏ mặc

(Dân trí) - "Chúng ta quan tâm đến vấn đề giá đất nhưng mới chỉ quan tâm tới giá trị hữu hình, còn giá trị vô hình thì chưa nhiều. Giá trị vô hình là sau khi thu hồi đất, người dân không còn đất để làm ăn thì cuộc sống như thế nào..."

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã chia sẻ với báo giới nhân buổi giao lưu trực truyến do Bộ chủ trì phối hợp với 64 Sở để giải đáp các ý kiến của nhân dân và doanh nghiệp diễn ra ngày 29/8.

Xin bộ trưởng cho biết, quan điểm của bộ trước những sự việc gây ảnh hưởng tới môi trường, chẳng hạn như nhập phế thải?

Khi nhập khẩu phế liệu, nếu chúng ta không đặt mục tiêu số một là phải đảm bảo môi trường thì mình sẽ trở thành bãi chứa rác thải. Quan điểm của bộ, đối với những vụ nhập phế liệu gây ô nhiễm cần phải xử lý nghiêm, không để tái diễn gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông cũng không đơn giản. Sắp tới, bộ sẽ cử những đoàn thanh tra tập trung làm mạnh về vấn đề này. Một số doanh nghiệp vi phạm trước đây dùng cách này cách khác để lẩn tránh thì lần này sẽ phải xử lý nghiêm.

Nhưng lĩnh vực tài nguyên và môi trường nước hiện nay còn những gì bất cập, thưa bộ trưởng?

Đó là những vấn đề liên quan đến công nghệ xử lý, vấn đề quản lý nhà nước về kinh tế, việc quy định và áp dụng các chế tài đối với những trường hợp vi phạm...

Dù nói thế nào thì đất đai vẫn là vấn đề bức xúc nhất được đặt ra trong buổi giao lưu trực tuyến này. Xin bộ trưởng cho biết, Thủ tướng chính phủ có yêu cầu bộ bổ sung gì trong đợt điều chỉnh luật đất đai lần này?

Thủ tướng không yêu cầu nhưng qua cuộc họp gần đây có mấy vấn đề cần phải đặt ra. Trước hết phải tập trung vào vấn đề kinh tế, tài chính đất đai, cần phải giải quyết cơ bản vấn đề quyền của người sử dụng đất. Từ những quyền lợi này sẽ đi đến vấn đề xác định giá đất, giá đất không thể tăng mãi mà chỉ đến một mức độ nào đó.

Chênh lệch địa tô cũng là vấn đề đang bức xúc hiện nay. Cần phải tính toán thế nào để tạo được động lực cho nhà dầu tư nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất... Đó chính là những vấn đề mà khi sửa đổi Luật phải tập trung tới.

Vậy dự kiến đến bao giờ, chúng ta mới có được bộ luật đất đai hoàn chỉnh và đầy đủ, thưa bộ trưởng?

Theo quan điểm của tôi, để xây dựng một bộ Luật Đất đai đầy đủ và hoàn chỉnh cũng phải chờ tới giai đoạn 2011 - 2015. Còn việc sửa đổi luật lần này chỉ tập trung vào hai vấn đề: kinh tế tài chính và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Riêng về kế hoạch sử dụng đất, vừa qua trung ương ra nghị quyết về tam nông, trong đó có đề cập đến diện tích trồng lúa nước.

Đây là bài toán mà ta phải tính vì đất nước ta chủ yếu là nông nghiệp, mà làm nông nghiệp thì chắc chắn không giàu được. Muốn giàu và phát triển chắc chắn phải làm công nghiệp và dịch vụ nên phải lấy đất nông nghiệp nhưng lấy như thế nào.

Chính vì vậy việc lập qui hoạch phải thật cân nhắc, cần giữ bao nhiêu diện tích trồng lúa nước để bảo đảm cho dân số phát triển những năm tiếp theo!

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Lan Hương