Giá tiêu dùng nửa cuối năm 2019: Lo giá xăng dầu biến động phức tạp

(Dân trí) - Một trong những yếu tố tác động lên mặt bằng giá có thể kể đến như biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới theo diễn biến phức tạp về địa – chính trị.

Giá tiêu dùng nửa cuối năm 2019:  Lo giá xăng dầu biến động phức tạp - 1

Giá xăng dầu diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới chỉ số CPI.

Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã duy trì tốc độ tăng theo đúng theo kịch bản được Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo từ đầu năm.

So với tháng trước liền kề, CPI tháng 1/2018 tăng 0,1%, CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, CPI tháng 5 tăng 0,49%, CPI tháng 6 giảm 0,09%;

CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định quanh mức 2,6 – 2,74%. Trong đó, CPI tháng 1 so với cùng kỳ tăng 2,65%, bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,6%, 3 tháng đầu năm tăng 2,63%, 4 tháng đầu năm tăng 2,71%, 5 tháng đầu năm tăng 2,74% và bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định: "Có thể thấy diễn biến CPI 6 tháng đầu năm vẫn trong kiểm soát và ở mức thấp so với mặt bằng giá nhiều năm trở lại đây. Trên cơ sở đó, nếu không có các diễn biến quá bất thường thì việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao là nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ".

Dự báo về diễn biến CPI trong những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, một trong những yếu tố tác động lên mặt bằng giá có thể kể đến như biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới theo diễn biến phức tạp về địa – chính trị.

Bên cạnh đó, còn có việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường; Điều chỉnh tiền lương cơ sở; Yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi có thể tác động đến mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (thịt lợn)…

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá một số mặt hàng dự báo ổn định như dịch vụ bưu chính, giá giảm như: dịch vụ viễn thông, mặt hàng đường; Nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản, tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định.

"Căn cứ việc cập nhật diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cơ bản diễn biến theo kịch bản đã đề ra và ở mức thấp, với các dự báo về các yếu tố tác động đến CPI 6 tháng cuối năm nêu trên, dự báo CPI năm 2019 có khả năng sẽ xoay quanh mức khoảng 3,5%", ông Tuấn cho hay.

Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu, gas; mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.

Đồng thời, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Cùng với đó, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp vòng 2 của việc điều chỉnh giá điện; Điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá trong nước.

Bộ cũng cho biết sẽ tăng cường công tác dự báo, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đến chỉ số giá tiêu dùng; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Phương Dung