Giá thực phẩm sẽ giảm?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, gần đây giá cả thực phẩm và rau xanh tăng mạnh là do nguồn cung tăng chậm hơn so với nhu cầu nên có những thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.
Ngày 18/7, cuộc họp thứ hai tiếp tục diễn ra. Như vậy, chỉ trong gần một tuần đã có tới 2 cuộc họp nhằm hạ nhiệt giá thịt và giá rau được Bộ này tổ chức.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi tại cuộc họp thì tổng khối lượng thịt các loại sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2011 là khoảng 2,46 triệu tấn thịt hơi, tương đương 1,68 triệu tấn thịt xẻ. Trong đó, lượng thịt xuất khẩu chỉ là 3.472 tấn, phần còn lại chiếm tới 99,8% được tiêu thụ trong nước.
“Với nguồn cung nêu trên về cơ bản là đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước, vì theo quy luật vào các tháng mùa hè, nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng thịt thường giảm từ 5 - 7%. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết tương đối mát mẻ, nên nhu cầu vẫn giữ ở mức cao”, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá.
Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh cuối năm 2010 đã làm cho số đầu lợn năm 2011 giảm 3,7%, đặc biệt là lợn nái giảm tới 8,6%. Không chỉ giảm về số lượng mà dịch bệnh trên còn khiến chất lượng đàn lợn nái giảm sút, vì thế đàn lợn con nuôi thịt trong tháng 2, 3, 4 bị thiếu hụt đáng kể.
Tiếp đến là dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc hồi đầu năm 2011. Những yếu tố này đã đến nguồn cung thiếu hụt cục bộ tại một số vùng. Sự thiếu hụt này đã đẩy giá thịt lợn lên cao và có sự chênh lệch giá khá lớn giữa các vùng miền, nhất là giữa miền Bắc và miền Nam.
“Đây là nguyên nhân chính gây ra áp lực tăng giá thịt lợn ở nửa đầu năm và trong tháng 7 này, chứ hai tháng trở lại đây, theo ghi nhận không có hiện tượng tư thương Trung Quốc sang mua thịt lợn của Việt Nam”, ông Giao nhấn mạnh.
Dự báo về diễn biến tình hình giá cả của thực phẩm này trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi cho rằng, nhu cầu các loại thịt 6 tháng cuối năm vào khoảng 2,45 – 2,5 triệu tấn thịt hơi, tương đương 1,7 – 1,8 triệu tấn thịt xẻ.
Về giá cả, nửa cuối năm thị trường thực phẩm sẽ thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10 – 15% và có thể xuất hiện chiều hướng giảm nhẹ từ giữa tháng 7, giảm mạnh và giữ trong các tháng 8, 9, 10, tăng nhẹ trong các tháng cuối năm nhất là mặt hàng thịt lợn hơi.
Với mặt hàng rau, theo báo cáo của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… diện tích trồng vụ hè thu nhìn chung tương đương cùng kỳ năm trước.
Nhưng vụ hè thu thường là vụ có diện tích trồng rau thấp nhất trong năm. Đây cũng được xem là vụ có thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh dễ phát sinh nhất là đối với nhóm rau ăn lá, ưa lạnh.
Thời gian qua, giá rau xanh tăng đột biến tăng là do nguồn cung bị giảm sút do giáp vụ và mưa bão. Đặc biệt từ sau cơn bão số 2 đến nay, các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng mưa nhiều gây khó khăn cho làm đất, gieo trồng rau hè thu. Một số vùng rau bị ngập úng, sau đó lại gặp nắng gắt nên bị chết úng hoặc chết héo, đa phần là các loại rau ăn lá trồng không có mái che.
Ngoài ra sự tăng giá đột biến của rau xanh tại Hà Nội và một số thành phố khác còn là do sự lợi dụng “té nước theo mưa” của một bộ phận tư thương thu gom, bán buôn, bán lẻ rau xanh khi nguồn cung bị hạn chế.
Thêm nữa, nguồn rau nhập khẩu trong quý 2/2011 lại giảm 10% so với quý 1/2011 cũng góp phần làm cho nguồn cung khan hiếm hơn.
Tuy nhiên, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, giá rau tăng cao sẽ kích thích người sản xuất. Do đó, thời gian tới, nguồn cung rau sẽ dồi dào hơn, giá rau sẽ hạ nhiệt và ổn định. Các loại rau phổ thông như rau muống, rau đay, mồng tơi… giá sẽ giảm dần do dễ trồng. Song một số loại rau ăn lá, cà chua, rau sống, rau thơm vẫn duy trì ở mức giá cao.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng tán đồng với nhận định giá rau xanh và thực phẩm thời gian qua có sự tăng giá mạnh chủ yếu là do nguồn cung tăng chậm hơn so với nhu cầu nên có những thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.
Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp kiến nghị với Chính phủ trước mắt, cần có chính sách ưu tiên riêng cho ngành chăn nuôi như khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi, người dân nuôi trong thời gian vừa qua gặp rủi ro tiếp tục được vay vốn.
Cùng với đó, cần hỗ trợ 50% lãi suất cho người chăn nuôi, duy trì chính sách bình ổn giá thực phẩm tại các địa phương, điều hành linh hoạt hệ thống dịch vụ phân phối sản phẩm chăn nuôi (tăng cường xây dựng kho lạnh cho bảo quản sản phẩm vật nuôi khi sản xuất trong nước nhiều).
Đồng thời, cần ưu tiên điện cho khu vực trang trại chăn nuôi trong thời gian nắng nóng. Về lâu dài nên cho phép các trang trại, các hợp tác xã chăn nuôi, dịch vụ chế biến sản phẩm chăn nuôi được hưởng các chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đối với ngành trồng trọt cần có quy hoạch các vùng trồng rau tập trung, ổn định, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau để tăng diện tích nhất là vụ hè thu, thu đông.
Theo Y Nhung
VnEconomy