Giá nước sạch riêng một dự án tăng gấp đôi, có hay không “lợi ích nhóm”?

(Dân trí) - Được Hà Nội chấp thuận mua buôn giá nước tới 10.264 đồng/m3 nước cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống, một cổ đông đã nhanh chóng thoái vốn thu về 2.000 tỷ đồng.

Nhà máy nước sạch sông Đuống được khởi công năm 2016, tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm và tổng đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. Dù dự án đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu và cấp nước nhưng Hà Nội đã có văn bản mua nước giá gấp đôi so với các nhà cung cấp nước khác. Cũng từ đây những “mảng màu tối” của ngành nước được phơi bày khiến Đại biểu Quốc hội cùng dư luận đặt câu hỏi về lợi ích nhóm. 

Giá nước sạch riêng một dự án tăng gấp đôi, có hay không “lợi ích nhóm”? - 1

Giá nước mua buôn khá cao của Sông Đuống đã làm khó các doanh nghiệp phân phối bán lẻ

Những "khoảng tối" trong ngành nước được phơi bày

Như Dân Trí đã đưa tin về việc Hà Nội đang có những “biệt đãi”đối với Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống khi chấp thuận mua giá nước gấp đôi so với các nhà cung cấp khác. Cụ thể, Văn bản 3310 của UBND Tp. Hà Nội ngày 6/7/2017 do Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký đã đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, giá bán nước sạch của Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà (trước đây thuộc Vinaconex là công ty nhà nước 100%) năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng. Lộ trình tăng giá giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3. Hiện mức giá Sông Đà đang bán cho các công ty bán lẻ khoảng hơn 5.000 đồng/m3. 

Mua nước đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đuống cao gần gấp 2 lần giá bán của nhà máy nước sông Đà, thậm chí cao hơn cả giá bán lẻ nước sạch trên thị trường. Đây một quyết định khá khó hiểu của giới chức Hà Nội. 

Giá nước mua buôn khá cao của Sông Đuống đã làm khó các doanh nghiệp phân phối bán lẻ. Các công ty bán lẻ nước tại Hà Nội cho rằng họ không có đủ nguồn lực tài chính để trang trải khi mua nước của Sông Đuống với giá tạm tính 10.246 đồng/m3.

Tuy vậy, khi giai đoạn 1 của Nhà máy Sông Đuống hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã có đề nghị Sở Tài chính Hà Nội làm việc với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 để thống nhất giá bán tạm thời theo phương án 10.246 đồng/m2 và có cơ chế cấp bù giá. Trên cơ sở đó, từ tháng 12/2018 các đơn vị này có cơ sở để đảm bảo tài chính mua nước từ Nhà máy Sông Đuống. 

Tuy vậy, chỉ cần mua nước của Sông Đuống 80.000 m3/ngày đêm tương đương 29,2 triệu m3/năm thì Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sẽ lỗ 190 tỷ đồng. Và số tiền này sẽ được lấy từ ngân sách ra để bù giá. Hay như Công ty cổ phần Nước sạch  số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ 60 tỷ đồng/năm khi mua nước của Nhà máu nước mặt Sông Đuống.

Nhà máy Sông Đuống ngày 5/9 vừa qua đã khánh thành giai đoạn 1 với công suất 300 m3/ngày đêm, nếu chạy đủ công suất Hà Nội sẽ phải lấy ngân sách bù giá cho nhà máy này 3 tỷ đồng/ngày. Để giải quyết Hà Nội đang đề nghị Sở Tài chính lên phương án điều chỉnh giá nước. Như vậy, từ một quyết định khá “phi kinh tế” dẫn đến việc người dân Hà Nội có nguy cơ phải gánh hậu quả.

Đặc biệt, với sự ưu ái của Hà Nội, cổ đông Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống có nhiều động thái “lạ”. Công ty này được thành lập năm 2016, Nhà máy Sông Đuống là dự án lớn nhất cũng được khởi công cùng năm với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn Aqua One của Shark Đỗ Thị Kim Liên là cổ đông nắm quyền chi phối với 58% vốn. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nắm 10%, Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới nắm 5%, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman qua hình thức uỷ thác đầu tư nắm 27% vốn. Vốn chủ sở hữu của Sông Đuống là 999,6 tỷ đồng. 

Dù nhà máy chưa khánh thành, thậm chí còn thua lỗ nhưng dựa trên những “biệt đãi” từ giá mua nước đắt gấp đôi của Hà Nội, một cổ đông đã nhanh chóng chốt lời thu về hơn 2.000 tỷ. Cụ thể, theo thông báo từ Uỷ ban Chứng khoán Thái Lan, Tập đoàn WHA của nữ tỷ phú hàng đầu Thái Lan là Jareeporn Jarukornsakul với tài sản khoảng 820 triệu USD đã thông qua nhiều công ty con mua vào 34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống. Giá trị của giao dịch được WHA công bố là 2.073 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Nước mặt Sông Đuống được định giá hơn 6.000 tỷ đồng. 

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ “lợi ích nhóm” trong ngành nước

Trong phiên chất vấn Thủ tướng tại Quốc hội ngày 8/11, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đặt ra vấn đề an ninh nguồn nước của quốc gia sau khi nhà máy nước sông Đà bị đổ thải. 

Cụ thể, ông Nhưỡng nhấn mạnh việc có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bộc lộ lỗ hổng về an ninh quốc gia.

Vị đại biểu này nhấn mạnh cần phải làm 3 việc, thứ nhất phải xử lý nghiêm các vi phạm; thứ 2 cần xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; thứ 3, nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Về chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã vận hành.

Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành thực hiện đúng các luật quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân để tránh tình trạng như vừa qua.

Về tỷ lệ cổ phần nắm giữ đối với các nhà máy nước sạch, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quy định 2502 của Thủ tướng.

Trước đó trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. HCM) đã bày rỏ lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần công ty nước sạch Sông Đuống. Theo ông Nghĩa, nước là vấn đề an ninh quan trọng thậm chí hơn cả lương thực. 

Ông Nghĩa cho rằng phải làm rõ việc tỷ phú Thái Lan mua đến 34% cổ phần của nhà máy nước sạch Sông Đuống. “Trước tình cung cấp nước sạch như vừa qua, tôi đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương bán vốn này”, ông nói và đề nghị Bộ trưởng, Thủ tướng vào cuộc. 

H.Nguyễn