Giá nhiều mặt hàng tháng 3 giảm, ngày Vía Thần Tài không còn "cơn sốt vàng"

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 đã giảm nhẹ so với tháng trước, khi có 8/11 hàng hoá trong giỏ tính CPI giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Mậu Tuất giảm nhiệt. Đặc biệt, ngày vía Thần tài nhưng không có hiện tượng sốt vàng gây bất ổn kinh tế.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cho thấy: CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng 2/2018; tăng 2,66%% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.

Vía thần tài năm nay không còn hiện tượng lên cơn sốt vàng như mọi năm do người dân ít mặn mà hơn đầu tư vào vàng.
Vía thần tài năm nay không còn hiện tượng lên cơn sốt vàng như mọi năm do người dân ít mặn mà hơn đầu tư vào vàng.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Giao thông giảm 0,77 %; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,28%; May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,17%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,1%; Bưu chính viễn thông giảm 0,04%. Có 3 nhóm tăng: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; Giáo dục tăng 0,01%.

Giá các mặt hàng giảm giá mạnh trong thời gian tháng 3 là nhóm thực phẩm tươi sống giảm từ 0,08% đến 1,63% so với tháng trước giảm ở các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm. Theo đó, chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% góp phần giảm CPI chung khoảng 0,23%.

Đặc biệt, giảm mạnh nhất là giá vé tàu hỏa giảm 16,06% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé sau dịp Tết Nguyên đán. Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,99% do một số đơn vị kê khai tăng giá trước Tết giảm giá trở về giá cũ.

Giá gas giảm 3,7% do các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá từ ngày 01/3/2018 với mức giảm 13.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới giảm.

Giá rau tươi giảm 4,1% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại.

Nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán.

Về các mặt hàng tăng giá, tháng 3/2018, giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cho giá dịch vụ y tế tăng 2,54% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,1%.

Còn giá lương thực tăng 0,35% là do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng và nhu cầu nhập khẩu của các nước như Bangladesh, Indonesia và Philippines tăng.

Về 3 tháng đầu năm 2018, CPI tăng nhẹ ở mức 2,82% so với quý trước trước, tăng 0,96% so với tháng 12 năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, các yếu tố kiềm chế CPI tăng và lạm phát ở mức thấp do thực hiện các chính sách ổn định kinh tế của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 01, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 đặt ra dưới 4%.

Các chính sách điều tiết hoạt động bình ổn thị trường hàng hoá, tổ chức điều hành giá xăng dầu và chính sách điều hành tỷ giá trung tâm ổn định so với sự biến động của đồng USD và đặc biệt là trong tháng có nhu cầu mua vàng tăng cao do sau Tết Nguyên đán, ngày vía Thần tài nhưng không có hiện tượng sốt vàng gây bất ổn kinh tế.

An Linh

Giá nhiều mặt hàng tháng 3 giảm, ngày Vía Thần Tài không còn "cơn sốt vàng" - 2