1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường thực phẩm chức năng:

Giá lên trời, chất lượng dưới đất

Giá nhập khẩu mỗi viên thực phẩm chức năng có loại chỉ 5.000-6.000 đồng (tính cả thuế nhập khẩu 30%), nhưng có khi được đẩy lên gấp 5-6 lần, trong đó không ít sản phẩm được kê đơn tại bệnh viện - nơi bị cấm kê thực phẩm chức năng.

Giá lên trời, chất lượng dưới đất - 1
Chọn mua thực phẩm chức năng tại một nhà thuốc ở Q.1, TP.HCM.
 
Trong vai một chủ hiệu thuốc muốn mua buôn men vi sinh số lượng lớn, chúng tôi đã liên lạc với người đại diện bán hàng một doanh nghiệp sản xuất men vi sinh lớn ở Hà Nội.

 

Giá trên trời

 

Theo báo giá gửi qua thư điện tử, giá bán buôn sản phẩm men vi sinh gói 3g đựng trong gói giấy in bốn màu đẹp, thành phần sản phẩm gồm có canxi nano 50mg; vitamin B1 0,25mg; vitamin B2: 0,3mg; vitamin B5: 1,5mg; vitamin B6: 0,2mg; tinh chất men bia Pháp... là 850 đồng/gói. Người bán hàng cho hay họ mới khánh thành nhà máy mới, đơn hàng lớn sẽ được giao trong ba ngày.

 

Tuy nhiên, khi khảo sát giá ở nhiều nhà thuốc, các sản phẩm có thành phần tương tự có giá bán lẻ 6.000-10.000 đồng/gói. Từ bán buôn ra bán lẻ, giá bán gói men vi sinh đã tăng gần 10 lần.

 

Nhưng không chỉ men vi sinh, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng cũng bị đẩy giá như vậy. Chẳng hạn, một sản phẩm xirô có thành phần chủ yếu là vitamin B1, lysine, hóa đơn bán hàng cho thấy giá bán buôn từ công ty sản xuất cho các nhà phân phối chỉ 8.500 đồng/chai, nhưng khi vào đến nhà thuốc, giá bán được đẩy lên tới... 96.000 đồng/chai.

 

Xem lại hóa đơn, chỉ riêng ở Công ty SV phân phối sản phẩm này, giá bán được đẩy từ 8.500 đồng lên 85.000 đồng. Đáng chú ý đây là sản phẩm được kê khá nhiều ở bệnh viện cho bệnh nhi. Khi được hỏi đẩy giá bán hàng lên quá cao có phải do phải chi tiền hoa hồng kê đơn không, một nhân viên công ty phân phối sản phẩm không ngần ngại thừa nhận.

 

Theo tính toán của thanh tra Bộ Y tế xem lại các hóa đơn mua hàng của Công ty S ở Hà Nội, hầu hết sản phẩm đều có giá mua vào từ 5.000-12.000 đồng/viên (tính cả thuế nhập khẩu), nhưng bán ra đều từ 30.000-40.000 đồng/viên, gấp nhiều lần so với giá vốn!

 

Ông Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, nói việc thổi phồng giá cũng có, nhưng 100 người sản xuất kinh doanh thì chỉ 1-2 người. Thổi phồng giá ở đây chủ yếu trong bán hàng đa cấp. Cần có quy định bán thực phẩm chức năng phải có chứng chỉ đào tạo thì mới không nói sai, nói quá. Nếu có chứng chỉ mà nói sai, nói quá về tác dụng sản phẩm, phải phạt thật nặng. Có làm vậy mới quản lý được tình trạng bán thực phẩm chức năng theo kiểu quảng cáo là thuốc tiên, thần dược.

 

Ông Đáng cho là khâu kinh doanh đang đẩy giá thực phẩm chức năng lên cao. Ông nói: “Tôi biết có sản phẩm giá thành chỉ 300.000 đồng, nhưng khi đến tay người bệnh đã được đẩy lên 1,9 triệu đồng”.

 

Chất lượng không đảm bảo

 

Mới đây, đoàn kiểm tra của Phòng an ninh kinh tế đội quản lý thị trường số 14, Hà Nội đến kiểm tra Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Gia (có kinh doanh thực phẩm chức năng) trụ sở ở phố Đốc Ngữ, Hà Nội. Ông Hoàng Phi Hùng, cán bộ đội quản lý thị trường số 14, cho biết nhiều loại thực phẩm chức năng do công ty này kinh doanh không đạt chất lượng như công ty tự công bố.

 

Trước đó, ngày 21/6 Viện Khoa học hình sự đã gửi kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Shark Cartilage, hàm lượng glucosamin dán trên nhãn hàng (350mg/hai viên) nhưng thực tế chỉ đạt 161mg/viên (92% so với công bố); hàm lượng chondroitin công bố 300mg/hai viên nhưng thực tế chỉ đạt 137,8mg/viên, tương đương 91,86%. Ở sản phẩm Super Omega 3 Fish, hàm lượng EPA công bố 600mg/hai viên, thực tế chỉ đạt 270mg/viên (90%), DHA 400 mg/hai viên, thực tế chỉ đạt 159mg/viên, tương đương 79,5%.

 

Điều đáng nói, mặc dù hồ sơ công bố tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ sản phẩm này do Công ty Shenzhen Allnature Biotechnology (Trung Quốc) sản xuất, tuy nhiên nhãn mác và mã vạch sản phẩm lại thể hiện sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

 

Theo ông Lê Văn Giang - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ và phiếu phân tích cho thấy đây là sản phẩm của Mỹ sản xuất ở Trung Quốc, rõ ràng việc sản xuất ở Trung Quốc (và không đạt chất lượng như công bố) lại lập lờ sản xuất ở Mỹ là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ đầu năm 2011 đến nay đã phát hiện mười vụ việc nhập nhèm nguồn gốc sản phẩm (công bố sản xuất ở Trung Quốc nhưng nhãn mác sản phẩm lại ghi sản xuất ở Mỹ), hàm lượng hoạt chất không đúng như công bố với cơ quan chức năng và nhãn mác sản phẩm.

 

Lách quy định

 

Quy định hiện hành cấm bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra vừa qua, thanh tra Bộ Y tế phát hiện có hiện tượng bác sĩ “lách” để kê đơn thực phẩm chức năng. Theo đó, có bác sĩ đưa thực phẩm chức năng vào phần “ghi chú” trong máy tính.

 

Với động tác này, đơn thuốc lưu trong máy tính của bác sĩ sẽ không có thực phẩm chức năng trong số các thuốc được kê, nhưng khi in đơn cung cấp cho bệnh nhân, thực phẩm chức năng có trong danh sách cần mua, chỉ khác ở chỗ có chữ “ghi chú” ở đầu. Và bệnh nhân sẽ không phân biệt được đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng.

 

Theo một cán bộ thanh tra Bộ Y tế, qua kiểm tra thời gian qua cho thấy tình trạng kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc khá phổ biến ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Các thực phẩm chức năng như chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, bổ sung vitamin và vi chất... được kê đơn cho đủ loại bệnh từ cao huyết áp, hen phế quản, sau phẫu thuật sọ não, kém ăn uống. Có những trường hợp bệnh nhân ở xa, bác sĩ đã kê 12 lọ thực phẩm chức năng/đơn thuốc, giá tới 1 triệu đồng/lọ!

 

Theo vị cán bộ này, thực phẩm chức năng bán theo hình thức đa cấp và đưa vào “kê đơn” trong bệnh viện với mức giá khá cao. Một phần lợi nhuận sẽ dành chi trả hoa hồng cho bác sĩ kê đơn và đại lý bán hàng đa cấp.

 

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm