Giá dầu giảm - ai được, ai mất?

Trước phiên họp OPEC ngày 27/11/2014 về việc quyết định không giảm sản lượng khai thác, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30%, từ trung bình 115USD/thùng xuống khoảng 70USD/thùng. Điều gì khiến giá dầu giảm và ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới?

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân: Arập xêút “đánh” Mỹ!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Cung nhiều hơn cầu là nguyên nhân bề mặt khiến giá dầu giảm; và một trong những yếu tố khiến cung vượt trội là xuất lượng tăng mạnh của công nghiệp dầu Mỹ (lên gần 9 triệu thùng/ngày và có thể vọt lên mức cao nhất trong 4 thập niên, bắt đầu vào năm 2015 - Fortune 2/12/2014). Trong khi đó, kinh tế khó khăn tại châu Âu và châu Á lại dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu thấp. Quan trọng hơn, OPEC, nơi chiếm 1/3 sản lượng dầu thế giới, đã quyết định duy trì “trần” sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày. Tại sao OPEC không giảm sản lượng để kéo giá lên?

Vấn đề nằm ở sự mâu thuẫn nội bộ OPEC. Như The Economist (27/11/2014) chỉ ra, Arập Xêút, Iraq, Kuwait và các nước Vùng Vịnh có thể khai thác dầu với chi phí thấp và dự trữ tiền tệ của họ cũng đủ mạnh để chịu đựng “đường trường”. Trong khi đó, với Nigeria, Venezuela và Iran, dầu là nguồn sống chủ lực. Trong khi những thành viên OPEC này muốn giảm sản lượng để vực giá lên thì Arập Xêút và các nước láng giềng lo ngại rằng giá cao có thể khiến họ mất thị phần đối với các đối thủ cạnh tranh không thuộc OPEC trong đó có Nga, Mexico và đặc biệt Mỹ - nơi sắp qua mặt Arập Xêút trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Từ năm 2008 đến nay, Mỹ đã đưa thêm khoảng 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào thị trường thế giới (tổng sản lượng thế giới khoảng 75 triệu thùng/ngày). Hơn nữa, việc cắt sản lượng chưa chắc “bình ổn” được thị trường. Thập niên 80, Arập Xêút đã đối phó với việc giá giảm bằng cách giảm sản lượng. Hậu quả, giá vẫn không kéo lên được mà họ thì mất thị phần.

Khai thác dầu đá phiến tại McKenzie (bang North Dakota)
Khai thác dầu đá phiến tại McKenzie (bang North Dakota)

Chính xác hơn, việc OPEC không giảm sản lượng lần này thực chất là đòn đánh tay đôi của Arập Xêút với Mỹ. Dựa vào một số nghiên cứu cho thấy các dự án khai thác dầu đá phiến của Mỹ không thể có lời nếu giá dầu thế giới tụt xuống dưới 80USD/thùng, Arập Xêút đã bình tĩnh chơi đòn sát phạt. Abdalla El-Badri, Tổng thư ký OPEC, khẳng định rằng 1/2 sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ “bị đe dọa” nếu giá dầu thế giới rơi xuống mức dưới 85USD/thùng. Chris Skrebowski, cựu biên tập chuyên san Petroleum Review, nói rằng Arập Xêút muốn cắt sản lượng dầu đá phiến hằng năm của Mỹ từ 1 triệu xuống còn 500.000 thùng/ngày.

Kỹ thuật khai thác dầu đá phiến Mỹ đã giúp họ giảm nhập khẩu dầu một cách đáng kể. Từ năm 2006 đến nay, Mỹ đã cắt nhập khẩu dầu thô xuống 8,7 triệu thùng/ngày - tương đương tổng xuất khẩu dầu của Arập Xêút và Nigeria. OPEC đã sai khi cho rằng công nghiệp dầu đá phiến Mỹ lung lay nếu giá dầu thế giới giảm. Công ty dầu đá phiến Mỹ Continental Resources nói họ có thể sản xuất dầu ở mức 50USD/thùng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thêm, hầu hết dầu đá phiến tại khu mỏ khổng lồ Bakken tại North Dakota “vẫn có thể lãi ở mức bằng hoặc thấp hơn 42USD/thùng. Và thậm chí giá tại hạt McKenzie, nơi có sản lượng dầu đá phiến cao nhất bang North Dakota, giá chỉ 28USD/thùng” (The Telegraph 30/11/2014). Market Watch (2/12/2014) viết rõ hơn: Tại hạt McKenzie, nơi có 72 trong 188 mỏ dầu đá phiến tại North Dakota, chi phí sản xuất trung bình chỉ 30USD.

Trong khi đó, các công ty dầu đá phiến Mỹ liên tục cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí. So với chỉ chừng 2USD mà Arập Xêút xài để sản xuất một thùng dầu thì chi phí khai thác dầu đá phiến vẫn còn quá cao. Tuy nhiên, công nghiệp dầu Mỹ không phải chi cho các dự án hạ tầng, cho trả lương viên chức nhà nước, cho duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định, cho các chương trình phúc lợi xã hội quốc gia… - những khoản chi tiêu ngốn đến 30% GDP Arập Xêút. Sẽ là hoàn toàn điên rồ nếu Arập Xêút chơi Mỹ đến cùng bằng việc giảm giá dầu xuống mức 40USD/thùng!

Ai được, ai mất?

Thật ra việc giá dầu giảm cũng gây ảnh hưởng đối với các công ty dầu Mỹ. Cổ phiếu Exxon Mobil và Chevron đã mất khoảng 6% trong 6 tháng qua. Cổ phiếu Transocean giảm ở mức thấp nhất trong gần 2 thập niên trong khi Halliburton giảm gần 40% kể từ tháng 6 (Fortune 2/12/2014). Hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng. Tổng quát, Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định rằng giá dầu giảm sẽ kích thích kinh tế thế giới. Với mức giá hiện tại, doanh thu hằng năm của OPEC sẽ mất 590 tỉ USD. Trong khi đó, ngân sách cho nhập khẩu năng lượng của Mỹ, Nhật và Trung Quốc được tiết kiệm đáng kể. “Kích cỡ nền kinh tế toàn cầu sẽ dễ dàng đạt mức cao hơn từ 0,5 đến 1%” - theo Andrew Kenningham, kinh tế gia toàn cầu thuộc Capital Economics ở London (Washington Post 1/12/2014). Với Mỹ, giá năng lượng thấp sẽ giúp tăng trưởng kinh tế lên nhịp 3,5% vào năm 2015 - theo Christine Lagarde (Wall Street Journal 1/12/2014).

Nước hưởng lợi đáng kể nữa là Trung Quốc. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cho biết, tỷ lệ GDP Trung Quốc có thể tăng khoảng 0,15% ứng với 10% giá dầu giảm (OilPrice.com 1/12/2014). Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này nhập 281,92 triệu tấn khối dầu thô năm 2013 (219,6 tỉ USD). Với việc giá dầu giảm, bắt đầu từ giữa tháng 6/2014, Trung Quốc tiết kiệm được 30 tỉ USD vào cuối năm nay.

Một bi kịch được làm đậm thêm bởi giá dầu hạ

Việc giá dầu giảm 40% trong 5 tháng qua sẽ làm giảm doanh thu dầu hằng năm trên thế giới đến 1,5 ngàn tỉ USD. Một trong những nước thiệt hại nghiêm trọng nhất là Nga, nơi mà nền kinh tế vốn dĩ đang lao đao bởi nhiều sai lầm trong chính sách. Tăng trưởng kinh tế Nga đã chậm lại vài năm gần đây, giảm còn 1,3% năm 2013 so với 3,4% năm trước đó (The Guardian 2/12/2014). Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov cho biết, tổn thất từ xuất khẩu dầu ước tính 90-100 tỉ USD/năm (so với tổn thất từ cấm vận là 40 tỉ USD). Dầu và rúp hợp xướng cùng dàn giao hưởng kinh tế èo uột đã tạo ra một tấu khúc ma quái u ám. Rúp tụt giá khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên cao giá hơn. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2015 là 10% (Washington Post 2/12/2014).

Đồng rúp đang bị mất giá từng ngày
Đồng rúp đang bị mất giá từng ngày

Sâu bên trong cơ thể kinh tế bệnh tật còn là những nội tạng bị nhiễm độc. Đó là những công ty nhà nước. Cơ chế nhóm lợi ích bắt đầu phơi bày mặt trái. Trong khi Nga áp dụng nền kinh tế thị trường tự do trên danh nghĩa, nước này lại đầy dãy chuyện phân bổ nguồn vốn và nguồn lực không đồng đều. Nhiều công ty được điều hành bởi các nhóm lợi ích. Công ty tư cũng không tốt hơn. Được kích thích bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo, các công ty tư điên cuồng vay vốn, làm tăng nợ ngoại tệ lên 170 tỉ USD trong 2 năm qua. Yevgeny Gavrilenkov, chuyên gia kinh tế thuộc Sberbank CIB (ngân hàng nhà nước lớn nhất) cho biết, phần lớn số tiền này “định cư” ở nước ngoài. Chỉ một phần rất nhỏ được đầu tư vào kinh tế nội địa. Các công ty Nga hiện nợ khoảng 500 tỉ USD, với 130 tỉ USD phải trả trước khi kết thúc năm 2015. Công ty dầu khổng lồ Rosneft đang xin Kremlin cho vay 44 tỉ USD (The Economist 22/11/2014)...

Ngành năng lượng, chiếm 20% GDP, chỉ tăng vỏn vẹn trung bình 1% trong 1 thập niên qua. Họ không cắt giảm chi phí hoặc đầu tư phát triển sản xuất mới. Năm 2007, khi giá dầu 72USD/thùng, nền kinh tế tăng trưởng 8,5%; năm 2012, dầu ở mức 111USD/thùng, tăng trưởng chỉ 3,4%! Năm 2011, dù giá dầu tăng, dự trữ tiền tệ lại ngừng tăng. Lý do: Tiền được chi cho tăng lương, trợ cấp hưu trí và quốc phòng. Sự gia tăng chi tiêu quân sự, tăng 30% kể từ năm 2008, là nguyên nhân khiến Alexei Kudrin, Bộ trưởng Tài chính, từ chức năm 2011. Nga lại không có một nền kinh tế sản xuất tốt. Tại Hàn Quốc hoặc Cộng hòa Czech, công nghiệp sản xuất chiếm ít nhất 20% GDP. Tỷ lệ này tại Nga là 15%, giảm từ 18% năm 2005.

Tổng quát, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ 7%/năm trong một thập niên đã rớt còn 1,3% năm 2013. Dân giàu đang chuyển tiền ra nước ngoài với tốc độ nhanh nhất trong 2 thập niên: 60 tỉ USD/năm kể từ 2012 (Wall Street Journal 23/3/2014). Nhìn sự nhảy múa của đồng rúp, đã có thể thấy sự khó khăn của kinh tế Nga. Moscow Times cho biết, trưa 3/12, đồng rúp hồi phục 3,8% - leo lên mức 52,7 rúp ăn 1USD, không lâu trước lúc 13 giờ, sau khi bị mất 1% vào phiên sáng. Tuy nhiên, chỉ 15 phút sau, lúc 13 giờ 15 phút, rúp lại giảm (nhỉnh hơn 54 USD). Đây là đợt mất giá nghiêm trọng nhất trong 16 năm. Chỉ trong vài tháng, từ tháng 7/2014 đến nay, rúp đã mất giá 36%, dù Ngân hàng Trung ương Nga đã “đốt” 700 triệu USD từ tháng 1/2014 để bơm cho rúp nổi. Với tỷ lệ hối đoái 50 rúp ăn 1USD và giá dầu ở mức 70USD/thùng, thâm hụt ngân sách 2015 của Nga sẽ vào khoảng 2,2% GDP. Tâm lý lo lắng đang bùng nổ. Một cuộc thăm dò công bố ngày 1/12/2014 do Tổ chức ý kiến công chúng thực hiện cho thấy, 67% người Nga nói rằng tình trạng rúp mất giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống họ (Wall Street Journal 1/12/2014).

Vấn đề đáng chú ý nhất là bây giờ, bất chấp giá hạ, Nga vẫn không thể khóa giếng dầu và giảm sản lượng. Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói rằng Nga tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất năm 2015 bằng với 2014, tức 525-526 triệu tấn khối. Điều này càng khiến rúp tiếp tục lao dốc.

Theo M. Kim
Petrotimes


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”