Gắn biển Trạm biến áp 200 KV-Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận
(Dân trí) - Sáng 2/7, Lễ gắn biển Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối - công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức.
Sáng nay (2/7), tại thôn Hậu Sang, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Lễ gắn biển Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối - Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III.
Dự án Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý dự án. Dự án có tổng mức đầu tư: 360,38 tỷ đồng, sử dụng vốn vay tín dụng thương mại và vốn của EVNNPT cấp.
Qui mô dự án bao gồm: (i) Xây dựng mới Trạm biến áp 220/110/22 kV với công suất 2x250 MVA; (ii) Xây dựng đường dây đấu nối 04 mạch cấp điện áp 220 kV với chiều dài tuyến 4,6 km; dây dẫn phân pha 2xACSR-330/43 đấu nối trạm biến áp 220 kV Ninh Phước vào đường dây 220 kV NMNĐ Vĩnh Tân - Tháp Chàm hiện có.
Hiện tại Truyền tải Điện Ninh Thuận đang quản lý, vận hành 2 trạm biến áp 220kV là Tháp Chàm và Ninh Phước. Sau gần 2 năm khẩn trương thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đơn vị này đã thực hiện vận hành an toàn, giải tỏa công suất của 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo với gần 1.200MW công suất (trong đó có 9 dự án điện mặt trời và 01 dự án điện gió) hòa vào hệ thống điện quốc gia.
Phát biểu tại Lễ gắn biển công trình trên, ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng tái tạo của cả nước nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần đảm bảo năng lượng quốc gia. Và, theo Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115 của Chính phủ cũng đã đồng ý xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tính đến hết tháng 6/2020, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành hơn 1.500MW điện mặt trời và 181MW điện gió, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trước đây, do phụ tải điện của tỉnh Ninh Thuận chưa đến 100MW, do vậy, khi phát triển các dự án NLTT trên địa bàn, việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ là vô cùng quan trọng.
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận xác định NLTT là đột phá, nhưng xây dựng các công trình TTĐ là đột phá của đột phá, và công trình này cũng là mong mỏi của Đảng bộ tỉnh, của các huyện và đặc biệt là các doanh nghiệp đã tham gia đầu tư trên địa bàn. Công trình này cũng được tiến hành rất khẩn trương và tiến độ cũng là lịch sử của tập đoàn Điện lực Việt nam.
"Dự án 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giải tỏa công suất và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh cũng xác định đây là công trình quan trọng, nên đã chỉ đạo tất cả các ngành, các địa phương bằng mọi biện pháp, tháo gỡ khó khăn để đưa công trình vào vận hành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng...", ông Vĩnh nói.
Đây là công trình quan trọng, cấp bách để tăng cường giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để truyền tải lên lưới điện quốc gia với mức công suất tăng thêm khoảng 500 MVA. Việc đưa trạm 200 kV Ninh Phước vào vận hành còn nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110 kV khu vực, đồng thời giảm tổn thất điện năng. Công trình này sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nhưng dự án Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối vẫn hoàn thành vượt 06 tháng so với hợp đồng xây lắp đã ký kết, kịp thời đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả công trình.
Với tính chất, vai trò và ý nghĩa quan trọng, công trình Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam lựa chọn và công nhận là công trình được gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong thời gian vừa qua, EVN đã tích cực tạo mọi điều kiện để đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, đặc biệt là gần 100 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 5000 MWp vào vận hành vào giữa năm 2019 đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vừa qua đã tập trung rất lớn các dự án điện mặt trời với tốc độ phát triển rất nhanh. Trong gần 2 năm qua, bằng sự nỗ lực rất lớn với nhiều công trình truyền tải điện quan trọng đã được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung nỗ lực triển khai như trạm 500 kV Vĩnh Tân, các trạm 220 kV Phan Rí, Tháp Chàm và gần đây nhất là trạm 220 kV Ninh Phước sẽ giải quyết cơ bản việc giải tỏa công suất năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia.
Hà Nguyễn - Trường Thịnh